NGHỆ NHÂN HÀ PHAN TIẾNG THƠ TỪ LÀN ĐIỆU THEN NGÂN MÃI - Trịnh Thanh Phong
12/03/2015:

Bây giờ ai về Chiêm Hóa, ngược lên An Phú - Tân An (Chiêm Hóa) vẫn nghe từ bản nhỏ rộn ràng lời Then từ những cây đàn Tính bay lên. Tiếng đàn Tính tẩu ấy chính là tiếng lòng và cũng là cái hồn, cái vía của người Việt Bắc nói chung và của bà con người Tày Chiêm Hóa nói riêng. Nhiều nhà báo, nhà sưu tầm đã đến đây tìm kiếm tư liệu để dựng chương trình, để hoàn thiện bài vở và nhiều chương trình, bài vở đã được hoàn tất gửi đi thi khắp nơi, có những bài vở, chương trình còn được giải. Vậy rồi, xong việc, xong mùa là xong. Mấy ai đã tường tận hết được người đã dày công dành cả đời chăm chút gìn giữ nó.

Công lao ấy thuộc về nghệ nhân Hà Phan. Ông sinh thành và tạ thế tại An Phú - Tân An (1929 - 2007). Sinh ra trời đã phú cho ông có giọng hát hay, năng khiếu ấy lại được nuôi dưỡng ở vùng đất vốn giàu có bản sắc từ những làn điệu Then cổ truyền của người Việt Bắc. Ông say mê hát Then từ nhỏ, vào tuổi thanh xuân đất nước vẫn còn trong cảnh binh đao khói lửa, theo tiếng gọi của quê hương ông lên đường nhập ngũ làm “Bộ đội Cụ Hồ”, rồi chuyển sang thanh niên xung phong phục vụ kháng chiến. Khi cầm súng tham gia chiến dịch Cao, Bắc, Lạng và khi lầm lũi trên các tuyến đường canh bom nổ chậm, sau khi qua phút căng thẳng, Hà Phan lại thanh thản ôm cây đàn Tính hát cùng đồng đội, đồng bào. Hát cho át tiếng bom, tiếng đạn.

Hoàn thành việc quân, Hà Phan chuyển ra làm việc dân. Như là duyên trời định ông được giao nhiệm vụ làm quản lý văn hóa ở cấp huyện. Môi trường này đã tạo đà và giúp ông có thêm điều kiện để nâng cao trình độ nghiệp vụ. Sau khi tốt nghiệp Trường Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc, có kiến thức làm nền tảng thế là cái vốn Then bẩm sinh trong ông càng giàu có và phát triển. Là người say mê tiếng hát Then, suốt trong thời gian công tác, bên cạnh việc trau chuốt tiếng hát Then cho riêng mình, Hà Phan còn tích cực tổ chức nhiều lớp huấn luyện, chuyên học hát Then. Nhiều lớp đông, đàn thiếu, ông tự làm đàn cho học viên. Nhờ đó mà các tốp Then, đội Then của các xã Yên Nguyên, Hòa Phú, Kim Bình, Xuân Quang, Tri Phú... được hình thành và phát triển, gặt hái nhiều thành tích qua các hội diễn trên khắp miền đất nước. Tiếng đàn Tính cứ từ bàn tay những cô gái, chàng trai ngân vang khắp bản làng Chiêm Hóa. Cảm nhận những công lao và sự tài tình từ tiếng đàn Tính tẩu của nghệ nhân Hà Phan nhà văn Đinh Công Diệp viết: "Tiếng đàn Then từ Hà Phan phát ra nó có cái sôi nổi, bay bướm của chất Then Cao Bằng, cái khỏe khoắn của Tò Mạy Bắc Thái, cái thiết tha vời vợi của Ới La Tuyên Quang... Tất cả cùng hiện về trong tâm hồn ông Hà Phan. Kỳ lạ thay là tiếng đàn nó xuyên được núi, được rừng... nên mỗi khi ông đàn là người ta tự kéo về thật đông...".

Hà Phan là vậy, ông không chỉ đàn hay, hát Then hay mà còn rất năng động tích cực trong việc gìn giữ và phát triển làn điệu Then của quê nhà. Trong cuộc đời hoạt động văn nghệ ông còn có tài sáng tác thơ và có cả kiến thức biên tập thơ nữa. Nói ông có kiến thức biên tập thơ xin kể lại một chuyện như thế này. Thời ông còn làm ở Phòng Văn hóa huyện, đận ấy có một bạn mang đến trình ông bài thơ ghi việc con cháu sống phải biết ơn công cha nghĩa mẹ. Mở đầu bài thơ ấy là mấy câu ca dao quen thuộc: "Công cha như núi Thái Sơn".

... Được tác giả chép và đóng mở ngoặc cẩn thận rồi tiếp đó là hàng hàng chữ nghĩa, vần điệu nối vào. Hà Phan đọc một lượt rồi bảo: - Viết về việc này thì mấy câu ca dao đã quá chuẩn, ông thêm vào, nối vào mà chả có gì mới thì tốt nhất là bỏ. Làm thơ ta phải học ở cổ nhân cái ngắn, cái gọn thì mới là hậu duệ có tài...  Sự thẳng thắn của ông, người tác giả ấy đành lặng cầm bản thảo bỏ túi ra về. Thời gian lắng đi nhưng chỉ năm sau người ta lại thấy ông ta có bài thơ rất khá in trên báo Văn của tỉnh. Chỉ qua chuyện này cũng thấy khả năng thẩm định thơ của Hà Phan cũng không hề kém mấy tay biên tập cấp hàng tỉnh. Biết thẩm thấu thơ nên ông làm thơ cũng hoạt. Trong cuộc đời sáng tác, nếu tập hợp đầy đủ Hà Phan cũng phải có tới hai ba tập thơ chứ chả ít. Nhưng do cơ chế xuất bản, cá nhân ông  lấy đâu ra tiền, hồi ấy hội lại chưa có kinh phí đầu tư cho xuất bản nên mấy tập thơ song ngữ của ông vẫn đóng gói để đó. Việc tồn đọng này vẫn thuộc trách nhiệm của hội. Như mà cứ gác sang bên đã. Ta đang nói về thơ ông. Là người giàu có vốn Then nên thơ Hà Phan nhuốm đằm bản sắc đó. Nó mộc mạc chân thành nhưng thiết tha, vời vợi mà tươi sáng như màu rừng sắc núi. Thơ ông làm theo lối của Then, đọc cũng hay mà hát lại càng hay, rất đằm làn điệu Ới La của Then xứ Tuyên. Trích đọc vài đoạn rồi lại tự hát thì thấy càng thích.

Vào đông xuân bản em vui lắm

Tấp nập như bướm lượn tháng ba

Dưới đồng em thi đua sản xuất

Trên nương anh tấp nập trồng cây

Nếu chỉ đọc lướt sẽ cho đây chỉ là mấy câu vần cổ vũ cho việc tăng gia sản xuất khi mùa vụ đến nhưng ngẫm là thấy rất thơ bởi câu chữ mộc mạc, hồn nhiên, hồn nhiên như thật. Phong cảnh vào vụ đông xuân được miêu tả như bướm lượn tháng ba. Hình tượng này nói sự tấp nập, rộn ràng nhưng nó không tung trời thỏa thích mà cánh bướm ở đây lại nhịp vào làn điệu: "Dưới đồng em thi đua sản xuất/Trên nương anh tấp nập trồng cây"... Công việc dưới đồng, trên nương như đôi cánh bướm xòe ra khép lại tạo một dáng điệu nhịp nhàng, tấp nập của ngày hội đông xuân rất sống động. Thế, nó là thơ chứ. Thơ lại dịu dàng, có làn, có điệu nên hát cũng dễ mà rất hay:

Vào đông xuân... ới la... a a bản em vui lắm... a a.

Tấp nập như bướm lượn... ớ ơ... tháng ba... a a. 

Vậy mới nói thơ Hà Phan đằm chất Then. Ông làm thơ không theo dòng nào, không phụ thuộc vào thơ truyền thống, cũng không câu nệ vào thơ mới, chẳng dễ dãi như thơ câu lạc bộ. Ông có riêng lối của mình, lối thơ ấy chảy ra từ nguồn mạch của làn điệu Then đã thành máu thịt của mình nên nó vừa mộc mạc, chân chất, hồn nhiên vừa dân dã, vừa hiện đại. Hiện đại nên người Kinh, người Tày, người Dao... đều cùng hòa nhịp đọc được và hát được. Giọng điệu thơ ông ổn định, thông suốt một dòng chảy. Quá trình sáng tác ông cũng làm thơ theo nhiều chủ đề khác nhau, nhiều thể loại khác nhau nhưng dù ở thể loại nào, chủ đề nào, thơ ông vẫn đằm thắm chất Then. Ví dụ bài thơ ông viết ca ngợi Bác Hồ khi được đến thăm lán Nà Nưa:

Con đến lán Nà Nưa thăm Bác

Giữa mùa xuân đẹp nắng vàng tươi

Lán nhỏ lợp lá cột bằng ngoãm

Lán gác hai gian ôi nhớ thương

Thơ viết theo dòng truyền thống, niêm luật chặt chẽ đóng mỗi khổ bốn câu, mỗi câu bảy chữ, bằng chắc rất thuận nhưng được ông sáng tạo, biến hóa chất Then vào đó nên từng chữ từng câu trong khổ thơ cứ tự nhiên, mộc mạc lại có làn, có điệu. Phong cảnh, thời gian và căn lán hiện ra trước người đến thăm vừa đơn sơ, mộc mạc nhưng rất thiêng liêng làm cho người đọc thơ cũng bị ngập vào tâm trạng người đến thăm "Nghẹn ngào nhớ thương". Sự tài hoa của thơ ông chính là ở đây và cứ theo dòng chảy này bài thơ liền mạch thể hiện một tấm lòng kính yêu Bác vô cùng vô tận:

Con đến thăm ngôi lán Nà Nưa

Như Bác mới đi nhà còn ấm

Lội qua con suối nước chưa lành

Lán Bác có gì thiêng liêng thế

 

Trước năm bốn nhăm còn đen tối

Bác đến Nà Nưa ánh sáng soi

Bác ở lán nhỏ làm việc lớn

Lán của Việt Nam lán của Đảng

                            

Lán cứu hàng triệu con người

Lán đến thành công ngày tháng tám

Lán chứa tình Bác bao mến thương

 

Lán che cách mạng che cả nước

Nà Nưa hôm nay mãi còn ghi

Lán Bác gửi muôn vàn thương nhớ.

(Thăm Lán Nà Nưa)

Chủ đề trong thơ thể hiện cũng rất rõ rệt. Có người bảo thơ làm theo chủ đề thì tính chính trị nặng hơn tính nghệ thuật vì bản chất là để phục vụ tuyên truyền là chính. Tôi cho quan niệm này là chủ quan không đúng với bản chất của tác phẩm nghệ thuật ở bất cứ thể loại nào. Bởi một bài thơ hay, một tác phẩm nghệ thuật hay tự nó phải đảm bảo có một trăm phần trăm là tính chính trị và một trăm phần trăm là tính nghệ thuật. Thế hệ ông Hà Phan cầm bút tôi tin khi viết gì đều có chủ đề, đều nhằm mục đích phục vụ chủ đề mình đưa ra. Vậy nên họ đã dốc toàn tâm huyết vào việc đó nên tác phẩm họ viết ra nó có hồn, có cốt hẳn hoi chứ không hời hợt dông dài, nên cho dù là chủ đề nhưng tác phẩm của họ vẫn có sức sống dài trong công chúng. Như bài thơ (Thăm lán Nà Nưa) là một ví dụ. Hà Phan làm thơ thể hiện rất rõ tính chủ đề, bên cạnh những trang viết ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi quê hương đất nước thì những bài thơ ông viết về phong cảnh, địa danh cũng vẫn đậm đà tính chủ đề:

Mơ cho ai hỡi thác Mơ

Mơ cho ta Nà Hang đẹp bốn mùa

Mơ cho đường cái tới bản xa

Mơ cho điện sáng khắp cả nhà

...

Thác Mơ ơi thác Mơ

Mơ cho trai gái khắp gần xa

Ngày đêm đàn hát tiếng dân ca

Thác Mơ ơi thác Mơ!...

(Thác Mơ)

Ở đây cái thác Mơ là chủ đề thơ ông đấy. Nhưng nó có ý, có tứ ông tự nhìn ra và gửi gắm nên câu chữ tươi nguyên, đằm thắm bởi khi thể hiện trang viết ông có một tấm lòng mộc mạc, chân thật lại được nhuốm ngợp màu sắc chất Then nên dù là chủ đề thì thơ vẫn dễ đọc, dễ hát nên người người đều nhớ.

Trên những văn bản thơ của ông đã in trên sách báo và những bài thơ trích tại văn bản này có thể nói: Thơ Hà Phan có lối, có giọng điệu rất riêng. Lối ấy, giọng điệu ấy như tấm lòng ông đơn sơ mộc mạc và nhuốm ngợp những làn điệu Then. Có lẽ đây cũng là đóng góp của ông cho văn học quê nhà bởi suốt cuộc đời làm văn nghệ ông là người luôn dày công chăm lo giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, nhất là việc lưu giữ những làn điệu Then nên thơ ông luôn nhuốm ngợp trong bản sắc vĩnh hằng của Then là tất yếu. Vậy, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam trao danh hiệu Nghệ nhân Dân gian cho ông là xứng đáng.

T.T.P