Tháng Củ mật
13/03/2015: Truyện ngắn của Phù Ninh

1.Chiều xế. Nắng hanh hanh. Hàng cây xanh trầm mặc. Hồ lặng sóng. Đơn độc trên mặt đập một người đàn ông lững thững đi về phía mặt trời đỏ ối. Dáng nhỏ nhắn, da săn, tóc ngả màu muối tiêu, tay cầm chiếc mai lưỡi h?p. Con chó đen thấp nhỏ lũi cũi theo sát đằng sau. Hình ảnh ấy hiện ra hàng ngày, tuy không theo giờ giấc nhất định nào. Quen mắt, nhàm chán đến độ như là không tồn tại. Đến cuối đập, người quay lại, chó quay theo. Như có sợi dây vô hình nối với nhau. Chợt chó sủa. Từ dưới cánh đồng, hai người khệ nệ khiêng lưới đi tới.

- Chào ông Cát. Ông khỏe không? Chúng tôi đến đánh cá, đỡ cho ông khỏi phải canh mấy ngày tết.

- Canh nước mới là việc chính, bỏ sao được. Mỗi năm một lần, các anh đến lão vui nhiều.Cả ba về căn lều. Đến nơi, hai người mới đến hạ đòn, dỡ lưới. Cuộn trong đó một chú chó choai choai, lông vàng bị trói mõm, im thít.

- Năm nay lạnh lắm. Phải làm con cầy tơ mới đủ sức kéo lưới - Người áo xanh nói bâng quơ.

- Rét thế này chơi món mộc tồn được đấy. Mà hôm nay bao nhiêu âm?

- Ông công, ông táo lên trời đã mấy hôm rồi. Lo gì.

- Để tôi lên đồi làm mấy cây nứa khô.

 Người áo đen:

- Thôi khỏi. Bọn này đem theo cả kia. Hai đứa tôi sắm vai đồ tể. Ông giúp cho khâu giềng mẻ, lá mơ.

Hai người trai bắt tay vào việc sát sinh. Như có năng khiếu di truyền. Người áo xanh một tay sờ gáy con vật, rẽ đám lông; tay kia cầm con dao sắc lẻm khứa nhẹ một nhát. Cảm giác ớn lạnh. Tia máu vọt cao như vòi nước chịu áp lực mạnh. Người áo đen một tay bưng cái bát to hứng tiết. Tay kia khoắng tít đôi đũa, tưởng đâu được nối với động cơ điện.

Tiết trong bát sủi bọt, những bong bóng nhỏ phồng lên chi chít. Nhìn bát tiết canh vẻ hài lòng, người áo đen cẩn thận đặt lên chạn.

Ông già Cát khệ nệ bưng nồi nước sôi đổ vào  cái chậu cao su tái sinh đen sì. Hơi nước bốc lên mù mịt. Người áo xanh quẳng con vật mất hết sinh khí vào chậu. Giống một tay phù thủy, phút chốc anh ta làm cho toàn thân con vật trắng ởn.

Ngoài ven đập, người áo đen kê một chạc cây tươi lên hòn đá, châm lửa đốt đống rơm do họ khiêng tới. Người áo xanh xoay trở con vật trên chạc cây. Trong lúc người áo đen quạt liên hồi bằng tàu lá cọ được cắt thành nửa hình tròn.

Lần nữa con vật biến màu.

Đặt con muông sạch sẽ lên chiếc thớt nghiến nặng như cục sắt, người áo xanh hạ một đường dao sắc lẻm, chính xác như một bác sĩ giải phẫu thuần thục. Con muông bị phanh bụng. Làn hơi bốc lên, giải phóng nốt chút năng lượng cuối cùng còn sót lại.

Người áo đen bưng cái rổ ra mép nước một mình quần thảo với bộ lòng tạp. Người áo xanh chặt thái phần xương, thịt. Từ đầu đến giờ, họ làm việc nhịp nhàng như trong dây chuyền sản xuất công nghiệp.

Người áo đen từ mép nước trở lại. Nhân dồi được người áo xanh làm xong. Họ cùng nhau nhồi. Bốn bàn tay đỏ ối.

Nhấc đoạn ruột màu tím thẫm căng tròn, dài như con rắn khỏi chậu, người áo xanh nói như ra lệnh:

- Bắc hai nồi thôi. Nhựa mận nồi nhỏ. Nồi to vừa hầm xương vừa hấp lòng. Món chả đã có ông Cát đang nướng  đằng kia.

 

Minh họa: Nhất Tâm

 

2. Bữa cơm sốt sột nơi đồng nội hoang dã. Nồi xương hầm bốc hơi nghi nghút. Lòng dồi vừa vớt ra nóng hôi hổi. Chả chín tới bốc mùi ngạt mũi. Người áo đen chun chun mũi, nói như hát:

-  Hèn gì thiên hạ bảo: Sống ở trên đời ăn miếng dồi chó, chết về âm phủ biết có hay không.

Trên mâm sắc màu càng bắt mắt. Lá mơ tim tím phơn phớt phấn ngà, ớt hiểm đỏ tươi như điểm nhấn của bức tranh, mấy nửa quả chanh tứ thì vỏ xanh ngăn ngắt, tô nhựa mận sền sệt tựa hổ phách, bịch rượu ngô trong như nước suối đầu nguồn. Ba chiếc chén sành chạm nhau phát ra tiếng cạch trầm đục. Người áo xanh, giọng tâm sự:

- Ông Cát giữ chân gác hồ bao nhiêu năm rồi nhỉ?

Người được hỏi vẻ ngẫm ngợi, lim dim nhìn ra mặt hồ. Ngoài kia sương dày đặc, một màu trắng đục. Mênh mang. Không còn nhận ra đâu là đất, đâu là trời. Lặng lẽ hồi tưởng.

... Mấy trăm thanh niên hăm hở đào, xúc, gánh gồng. Mặt đập dài gần trăm mét phơi màu đất mới. Thân đập mỗi ngày một cao,  lừng lững như con đê dưới đồng bằng. Công trường rộn rã, rầm rập bước chân. Tiếng loa dóng dả: "Đội của Hoàng Thị Én đang dẫn đầu năng suất đào đắp. Các đội khác thi đua đuổi kịp và vượt đội Hoàng Thị Én!".

Cán bộ kỹ thuật Cát đến đo khối lượng, nghiệm thu cho từng đội. Đang căng chiếc thước dây ngang mặt đập. Một ai đó dường như cố ý, nghiêng vai đổ ụp hai sọt đất lấp bàn chân anh cùng chiếc thước. Lời nói nặng sắp thốt ra. Ngước nhìn, cô gái, mặt trái xoan, đôi mắt lá răm nhoẻn cười như không có chuyện gì xảy ra. Mấy cô gái đứng gần cười phá lên. "Anh cán bộ kỹ thuật ơi! Trừ khối lượng đội của con Én đi. Dám trêu cán bộ kỹ thuật".

Chuyện tinh nghịch cho qua nhưng cơ hội làm quen cần nắm lấy.

"Này cô Én, năng suất cao nhưng phải đảm bảo chất lượng đầm nén. Làm ẩu là tôi không nghiệm thu cho đâu".

Xung quanh, các cô nhao nhao: "Đúng rồi cho đội nó ở lại công trường, bao giờ đập hoàn thành mới cho về!".

Hất mái tóc đen dày ra sau, Én đáp trả vẻ đáo để: "Nói cho mà buồn. Đây ở lại làm công nhân thủy lợi. Ối người lại chả phát ghen ấy chứ". Lại ồn lên, tranh nhau nói.

Đấy là những ngày xây dựng hồ Nguyễn Văn Trỗi, công trình đầu tiên ông chịu trách nhiệm về kỹ thuật. Từng gương mặt, từng giọng nói như đang trước mắt, bởi ngày đó ông làm quen và cưới được Én, cô gái xinh nhất công trường. Hơn ba mươi năm trong ngành, ông đã chỉ đạo thi công xây dựng mấy chục hồ, đập thủy lợi hạng vừa và nhỏ.

Hồi lâu ông mới thủng thẳng nói:

- Chín năm, mười tháng, hai mươi lăm ngày.

Gắp miếng chả đặt vào bát ông Cát, người áo xanh:

- Sức ông có khi còn trụ được bằng ấy năm nữa.

- Bà nhà tôi đã nhiều lần khuyên. Mình phải nghe thôi. Sang năm 2015, chẵn mười năm coi hồ là tôi xin nghỉ.

Rót đầy vào chén ông Cát, người áo xanh:

-  Kính ông. Hôm nay xem như buổi chia tay. Đánh nốt trận này, chúng con cũng chào cuốn gói. Giá cả mọi thứ đều lên mà tiền công "vũ như cẫn". Nhà ấy chỉ khôn lấy một mình.

Sức rượu kém, ông Cát đã chếnh choáng. Người áo đen:

- Ông dùng miếng gan nướng lá na cho mát ruột. Biết khi nào mới lại có dịp ông con ngồi với nhau thế này. Nào cạn chén. Chúc ông mạnh khỏe, sống lâu trăm tuổi.

Con chó đen cắm cúi gặm cái xương sỏ che kín mắt.  Nó đâu biết, một ngày nào đó cũng bị con chó khác làm như thế.

Chỉ mới một ly, đầu ông đã nóng bừng, hai tai đỏ dựng, thái dương giật liên hồi, mắt nảy hoa cà hoa cải, khắp người rấm rứt như có hàng đàn kiến bọt chạy lụt. Chỉ có thể nằm. Mà nằm cũng không tài nào ngủ nổi.

Ông ngoái đầu, nói không còn thật giọng:

- Biết tấm lòng hai chú nhưng thật tình ngồi không vững nữa. Bỏ lỗi cho lão.

Chưa dứt lời, ông Cát tựa lưng vào vách lều, duỗi chân nằm sát ngay bên mâm, thở đều đều, mắt nhắm nghiền, lơ mơ, chiếc đèn ba pin vần đeo ở cổ.

Con mực no bụng nằm chúi nơi góc bếp.

Người áo xanh nháy mắt. Người áo đen nút bịch rượu, nhón tay nhặt thêm mấy miếng chả, nhai nhồm nhoàm, rồi cũng nằm xuống ngủ luôn tại trận

3. Đêm đã vào khuya. Bốn bề vắng lặng. Người áo xanh tỉnh giấc, vục dậy trước, mắt sáng lên trong đêm tối, tinh ranh như cáo rình gà. Quan sát trong lều một lượt. Ông Cát chừng đang say giấc, đôi lúc phát ra tiếng ngáy khè khè, như có gì mắc nơi cổ họng. Người áo đen mồm há hốc, mớ tóc xõa che gần kín khuôn mặt ngắn tũn. Người áo xanh thủ chai nhựa trắng giấu trong vàng lưới nhón chân bước ra ngoài. 

Ông Cát mơ mơ màng màng, nghe như có tiếng bước chân, gắng gượng ở mắt, định thần trở lại. Ý nghĩ chợt đến. Hai tay đánh cá thuê năm nào chả mời ông bữa ăn vét lưới. Hôm nay dường như họ mời ăn, ép rượu thắm thiết vẻ khác thường, trong khi  thừa biết ông là người kỵ rượu. Một người đang ngủ, còn người kia đi đâu, không có trong lều. Đang là tháng củ mật, cẩn tắc vô áy náy. Vớ chiếc mai lưỡi dài, ông lao nhanh ra bờ hồ. Trong màn sương mờ mịt, chỗ cửa cống, thấy một bóng đen khom khom, như định thả vật gì. Ánh đèn pin sáng chói, soi rõ mặt người. Con mực không biết nấp ở chỗ nào phóng ra như tên bắn, ngoặm lấy cánh tay người áo xanh. Chai nhựa trăng trắng chưa kịp mở nắp rơi xuống nước chìm nghỉm.

-  Thằng kia, mày định giở trò gì?

Ông Cát quát to.

Người áo xanh miệng như ngậm hạt thị.

- Thuốc sâu đúng không? Muốn sống vớt lên ngay!

Người áo xanh nhảy ùm xuống hồ. Chỉ một nhịp lặn, tay đã cầm chai nhựa trắng giơ cao, lội vào bờ. Ông Cát vội giật lấy tang vật, đổi cách xưng hô nhưng giọng giận dữ:

- Thật là ác độc, vô lương tâm. Anh làm nhà chủ mất trắng vụ cá đi một đằng. Tệ hại nhất là nước hồ nhiễm thuốc trừ sâu ngấm vào các giếng quanh đây, người ăn phải nếu không ngộ độc ngay cũng mắc bệnh về sau. Nếu hôm nay không bắt được tận tay, tội này chắc chắn tôi sẽ phải gánh. Tết này anh sẽ ngồi bóc lịch trong tù, rõ chưa?

Áo quần sũng nước, người áo xanh lếch thếch theo sau ông Cát về lều. Đánh thức người áo đen dậy, ông Cát bảo anh ta chụm củi, nhen lửa cho bạn sưởi. Ông kéo bộ áo quần của mình vắt trên dây ném cho người áo xanh. Như trên sàn diễn, người áo xanh, đã biến thành nhân vật khác. Khoác trên mình bộ áo quần ngắn cũn cỡn của ông Cát, trông anh ta thật tức cười. Lửa càng lúc càng bốc rừng rực, người áo xanh vẫn run cầm cập, hai tay rung rung giăng chiếc quần ướt sũng ra hơ lửa. Anh ta lo bị giải đến công an xã. Ông Cát chưa nguôi giận. Không ai nói một lời, vô tình cùng nhìn ngọn lửa. Ngọn lửa như người bạn chân tình sẻ chia cùng họ những nỗi niềm, cả sự hối hận và tha thứ.

 Ở góc lều, con mực xoãi bốn chân, đôi mắt lim dim. Nó đâu biết vừa giúp chủ giữ cho hồ nước trong lành và cứu hàng vạn con cá thoát chết vì nhiễm độc.

Tháng Chạp năm Nhâm Ngọ

P.N