Nhà thơ – nghệ sỹ nhiếp ảnh Đinh Công Thủy
Chơi với nhau hơn mười mấy năm, tôi thấy Đinh Công Thủy làm thơ rất cẩn trọng. Nhiều khi nằm chơi bên bờ sông Lô ở Tuyên Quang, quê hương anh, tôi cứ hình dung ra thơ của anh như một con ốc sên có cái vỏ xanh thẫm màu núi về chiều, chậm chậm bò đi, và để lại sau lưng vệt nước sáng lấp lánh, mềm mại tinh tế.
Chưa bao giờ anh nói cho tôi biết, hoặc tâm sự rằng anh đã yêu, đã đổ công sức, đã say mê nhiếp ảnh. Cho tới một ngày tình cờ, tôi phát hiện ra kho báu thứ hai của anh, bên cạnh những vần thơ dung dị mà đủng đỉnh kia.


Lúa chín rồi lúa lại xanh… "Mùa no ấm"
Những bức ảnh lôi cuốn trái tim tôi, một trái tim yêu miền núi từ một dải sáng nhỏ chợt ánh lên bên kia thung khe, một dải khói lam trong chiều sớm tắt nắng, đến một nụ cười thoáng nhẹ như nước suối nguồn mùa cạn, của tôi.
Sinh trưởng ở miền núi, đương nhiên cảnh vật miền cao như núi bạc mây trời, nước nguồn trong vắt, hay ruộng bậc thang vào mùa vàng, thôn bản nâu màu đất cày thấp thoáng khe thung… sẽ cuốn hút bất kỳ người cầm máy nào. Chủ đề ấy xuất hiện quá nhiều lần, khiến thành đơn điệu và nhàm chán…
Nhưng Đinh Công Thủy vốn có tư chất của thi sỹ. Anh đã chờ đợi trước những cảnh đó của núi rừng, sông suối, quê hương anh. Anh chờ đợi điều gì? Xem những tác phẩm đã chụp, thì điều chờ đợi đó là chờ nắng.


Và nắng vẫn lên ...
Vẫn cảnh vật đó thôi, tìm một bố cục cho ảnh của mình chưa bao giờ là điều khó. Nhưng khoảnh khắc bấm máy chỉ một phần mười giây, khoảnh khắc đó là duy nhất có trong cả số lượng giây khổng lồ của một ngày.

Phía sau thung…
Khoảnh khắc đó, nắng vừa đủ cường độ, vừa đủ góc nghiêng, và vừa đủ cả sự run rẩy khi phủ lên một góc nào đó của rừng núi, sông suối, hay nắng như vẻ đẹp khuê các mà dải lụa vàng lén vén mây nhìn xuống… cho người cầm máy chộp bắt.
Tôi biết chộp bắt được khoảnh khắc đó khó lắm. Chắc tác giả phải bấm liền nhiều lần, trong cả một khoảng thời gian dài, rồi sau lựa ra một bức đúng khoảnh khắc thần thánh nhất.

Nắng…
Chính vì nắng, hay ánh sáng trong nhiếp ảnh phong cảnh của Đinh Công Thủy đẹp và run rẩy đến độ, về sau, chính tác giả khi xem lại… cũng phải thốt lên: Tôi nhớ nắng…
Những bức ảnh như thế, thực sự là những bức chân dung của đất. Chộp bắt được chính những khoảnh khắc mà đất ”xuất thần”.

Lời ru núi…
Trong những bức chân dung đất ấy, còn có sự hiện diện của rất nhiều con đường núi… Uốn lượn, quanh co, trống vắng, cô đơn… gần với những bài thơ của anh. Lần đầu tiên được xem một bức chụp những con đường ấy, tôi đang ở xa đất nước nửa vòng trái đất. Và tôi cảm thấy những con đường sơn cước đó đang cất lên một tiếng hát ru, trầm trầm và buồn buồn… gọi tôi trở về quê hương xứ sở.

Trở về…
Rất rõ ràng, không phải tưởng tượng, nhiếp ảnh có âm nhạc… Đó là âm nhạc của linh thần trong thiên nhiên, ẩn đằng sau một bức ảnh đơn sơ trong thế giới vật chất, gọi những cánh chim di trú, trở về…
Con người gieo lúa trên đất. Đất gieo những nụ cười lên gương mặt con người, từ trẻ thơ tới ông già bà cả. Tôi muốn viết điều ấy để mở đầu, khi nói về mảng tranh chân dung đen và trắng của Đinh Công Thủy.
Trái ngược với vẻ đẹp chộp bắt cái ”xuất thần” của đất và những con đường núi, cô đơn, trống vắng, chộp bắt nụ cười ”xuất thần” trên gượng mặt con người miền cao trong nhiếp ảnh Đinh Công Thủy lại ấm áp, rạng rỡ.

Ánh mắt trẻ thơ…
Họ là những đứa trẻ sơn cước, nhìn thấy một người lỉnh kỉnh máy móc lạ lẫm, chụp tới chụp lui, cả đời chưa thấy ai như thế bao giờ… chúng nhoẻn miệng cười… Và anh chụp. Họ là những ông già bà cả, uống rượu say ngả nghiêng bên bếp lửa, hay chia sẻ vê thuốc lào cùng anh, và họ cười… Và anh chụp.



Ông già bà cả…
Ở mảng ảnh chân dung đen trắng này, tuy tương phản ánh sáng vẫn là quan trọng, nhưng độ tương phản đó không hút hồn ta bằng chính nụ cười trên gương mặt các nhân vật tác giả bắt được. Chắc khoảnh khắc đó cũng chỉ bằng một phần mười giây trong vô số giây của thời gian một ngày.

Góp nhặt một số những khoảnh khắc một phần mười giây đó, người nghệ sỹ phải chuẩn bị cả một đời. Nhưng nếu thành công, sẽ làm được trọn vẹn một sự sẻ chia giữa con người, đó là sự quý giá của những khoảnh khắc ấy.
Hàn Thủy Giang