Những ngày cuối đời của họa sỹ Văn Làn dường như gắn liền với bệnh viện. Bác sỹ quá quen và thuộc bệnh của ông họa sỹ già, con trai ông thì quen làm những việc cấp cứu cho ông như y tá bệnh viện. Thời gian đó có đoàn nghiên cứu của Viện Mỹ thuật Việt Nam lên nghiên cứu về các họa sỹ miền núi phía Bắc. Khi lên Tuyên Quang đã đến thăm họa sỹ Văn Làn trong bệnh viện. Lúc nhìn thấy ông lão với mầu da trong như sáp, mái tóc dài bạc trắng bồng bềnh trên giường bệnh, chưa cần giới thiệu mọi người đã thốt lên: Đây chính là con người của nghệ thuật.
Sinh thời ông là người lạc quan, xuề xòa. Hiếm khi người ta thấy ông cáu bẳn, hay cãi vã với ai kể cả những lúc khó khăn, vất vả. Ngày đó thị xã Tuyên Quang trong phố ruộng còn chen lẫn nhà, chưa chật chội bức bối như bây giờ. Nhà họa sỹ Văn Làn nằm ở mé đường bên cạnh quốc lộ đoạn lên dốc số 2. Nhà ông cũng như những hộ khác ở vườn rau khu Minh Tân khi đó sống chủ yếu bằng trồng rau và trồng hoa. Hàng xóm coi ông như một nông dân thực thụ. Người ta thường thấy ông với cái nón mê bẹp rúm ró trên đầu, lúc xới đất trồng rau, lúc lại bận rộn với những luống hoa, nhưng bên trong cái dáng vẻ lão nông chi điền đó có một mạch ngầm luôn chảy đó là khát khao về hội họa, khát khao được ngồi bên giá vẽ, khát khao được thể hiện mình qua nét bút, mảng màu. Sự khát khao đó có thể dễ dàng nhận ra ở các tác phẩm của ông. Ông có thể vẽ trên mọi thứ ông có, không cầu kỳ về chất liệu. Sang thì bột màu, thuốc nước, mực nho, không thì bút chì, bút sắt trên mảnh bìa, giấy báo hay trang vở học trò, miễn sao có thể thỏa mãn đam mê nghề nghiệp là được vẽ. Ông vẽ những điều giản dị quanh ông, không đao to búa lớn trong cách đặt vấn đề và xây dựng tác phẩm. Ông vẽ những người quanh ông, vẽ những nơi ông ở và đã đi qua, vẽ cuộc sống của chính ông. Những dấu ấn đó đã để lại đậm nét trong các tác phẩm ở thời kỳ đầu cầm bút sáng tác của ông. Với lối vẽ tả thực chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của phương pháp tạo hình cơ bản của nhà trường, với sự chăm chút về hình họa, những gam mầu chín, trên nền tảng các ghi chép tài liệu tỉ mỉ khi đi thực tế để dựng tranh, những yếu tố đó đã làm cho tác phẩm của ông có được sự tinh tế về mầu sắc, chắc chắn về bố cục. Đây là thời kỳ ông đi nhiều, ghi chép và tích lũy nhiều chất liệu cuộc sống. Thời kỳ này được đánh dấu bởi các tác phẩm “Đi bừa”, chất liệu bột mầu, triển lãm tại Bắc Kinh năm 1966 hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam; “Phố huyện Chiêm Hóa”, mầu nước, năm 1973. Các tác phẩm thời kỳ này chủ yếu là trực họa. Trực họa hiện thực trong tranh ông không phải là thứ hiện thực khô khan, khi vẽ tuy tuân thủ các quy tắc tạo hình của trường quy, nhưng vẫn không kém phần lãng mạn, nhất là với mảng tranh phong cảnh miền núi. “Mưa bông Xín Mần”, bột mầu năm 1977, một tác phẩm với hòa sắc tím lam vẽ về chiều đông phố núi với con phố cũ mờ trong những bông tuyết, thấp thoáng dáng người liêu xiêu đầy chất thơ đã chứng minh điều đó. Tác phẩm “Mưa bông Xín Mần” đã có cách nhìn thoát hẳn những tác phẩm trực họa trước đây của họa sỹ. Từ đây họa sỹ đã có những biến đổi lớn về tư duy sáng tạo và bút pháp. Các tác phẩm của ông thời kỳ này đã trở nên bay bổng hơn, đưa ông đến với những giấc mơ về mầu sắc. Sự chuyển hướng này có lẽ được bắt đầu từ những chuyến đi thực tế, trong những lần được cử đi giúp cơ sở chỉ đạo sản xuất ở các xã biên giới Hà Tuyên lúc bấy giờ. Trước cảnh vật thiên nhiên hùng vĩ, trước những con người lam lũ nhưng phóng khoáng, trước một vùng văn hóa đa sắc mầu của nhân dân các dân tộc cao nguyên, ông đã thay đổi cách nhìn của những bài học cơ bản trước đây. Dường như cách vẽ cũ không còn phù hợp, không tải nổi những ý tưởng sáng tạo mới của họa sỹ, ông cần một cách biểu hiện mới mạnh mẽ hơn, bay bổng hơn lung linh như những giấc mơ huyền ảo của mầu sắc. Tranh của ông thời kỳ này bắt đầu từ những giấc mơ nhỏ bé bình dị như mơ về ngôi nhà nhỏ ở bản vùng cao có điện thắp sáng, mơ về cuộc sống thanh bình mà mỗi ngày đều như một ngày hội, mơ về cuộc sống hạnh phúc. Ông vẽ nhiều về đám cưới, đám cưới của dân bản, đám cưới của anh bộ đội biên phòng với cô gái Mông. Nhân vật trong tranh ông thời kỳ này thường có đôi mắt mở to, đôn hậu, mang vóc dáng khỏe mạnh của người miền núi, được diễn tả bằng bút pháp phóng khoáng, với những nét đen khỏe khoắn, mạch lạc, những mảng mầu tươi nguyên. Như những người vùng cao, ông yêu thích ngựa. Ngựa trong tranh của ông được trang trí tua bờm, yên cương lộng lẫy. Ông vẽ chúng bằng tình yêu riêng của mình, cách tạo hình mang đậm phong cách tranh dân gian Đông Hồ, đôi lúc lại phảng phất như những chú ngựa giấy trong đồ tế lễ. Cách thể hiện đó đã làm nên một không gian sinh động, một hòa sắc mới tưng bừng tràn đầy sức sống khác với những gam mầu “chín” trước đây của ông. Cuối đời, bay bổng hơn, ông vẽ về tình yêu với một góc nhìn độc đáo, lãng mạn như trong tranh “Hái đào” chất liệu bột mầu. Hòa sắc mầu lam trong tranh “Hái đào” đưa người xem về với vườn đào hư hư thực thực, nơi đó có cô gái Mông má ửng hồng với bộ ngực trần đầy sức sống đang đón nhận những trái đào người trai Mông hái tặng. Bút pháp ở tác phẩm này tung tẩy, thoải mái nhưng mềm mại mang đậm phong cách biểu hiện, một phong cách thường thấy ở các họa sỹ trẻ bây giờ.
Những sáng tác độc đáo của họa sỹ thời kỳ đó không phải đã được đón nhận và đánh giá cao, ngay cả trong giới chuyên môn. Đã có ý kiến khuyên họa sỹ nên từ bỏ cách vẽ đó để quay về với cách vẽ trường quy cũ vốn đã giúp họa sỹ có một số thành công.
Trước những lời khen chê của đồng nghiệp ông vẫn theo đuổi lối vẽ hồn nhiên đó như một định mệnh, như lối vẽ đó đã chọn ông. Ông như đã tìm được mạch nguồn cho sự sáng tạo, cách nhìn đầy chất biểu hiện đó như đã thỏa mãn những cảm xúc của họa sỹ khi cầm bút. Ông đến với nó tự nhiên như đi đến những giấc mơ, những giấc mơ của mầu sắc trong hành trình kiếm tìm cái đẹp. Các tác phẩm của ông sau này càng về cuối đời càng trở nên hồn nhiên, tươi tắn, trong sáng một cách lạ thường.
M.H