

Quảng trường Nguyễn Tất Thành. Ảnh Đ.H
Danh sách các dự án, công trình đạt giải gồm: Xingfu Ridge (Homestay sinh thái tại làng cổ Hưng Phúc, Meishan, Trung Quốc); Quy hoạch cải thiện cảnh quan môi trường cho bờ sông Dương Tử ở quận mới Jiangbei của Nam Kinh, Trung Quốc); Làng Danzhai Wanda (Meishan, Trung Quốc); Hồi sinh kênh Thung lũng Jordan (Hồng Kông, Trung Quốc); Quảng trường Nguyễn Tất Thành - Tinh hoa núi rừng (Tuyên Quang, Việt Nam); Cảnh quan công cộng để đổi mới đô thị kênh Phadung Krung Kasem (Bangkok, Thái Lan); Đô thị mới trong thị trấn 100 năm tuổi (Kitakyushu, Nhật Bản); Quy hoạch thị trấn để bảo tồn cảnh quan thị trấn lịch sử của Hizenhama-shuku (Kashima, Nhật Bản); Cách thức mới để đi bộ trong thành phố cổ, bản đồ con đường lịch sử hiện đại của Yeongdo (Busan, Hàn Quốc); Xây dựng thêm đường và trồng rừng vào thành phố Sắt (Pohang, Hàn Quốc); Phát triển đô thị cân bằng thông qua khôi phục cảnh quan văn hóa và lịch sử “Chính sách bảo tồn và phát huy Hanok của Seoul (Seoul, Hàn Quốc).
Các công trình, dự án đạt giải được đánh giá theo 5 tiêu chí gồm: thân thiện với môi trường, an toàn bền vững, tôn trọng văn hóa và lịch sử địa phương, chất lượng nghệ thuật cao và đóng góp vào sự phát triển của khu vực và là hình mẫu cho các thành phố khác.
Giải thưởng “Phong cảnh thành phố châu Á” là giải thưởng quốc tế được thành lập năm 2010 bởi sự phối hợp của 4 tổ chức: Văn phòng Tổ chức định cư con người Liên Hợp Quốc vùng châu Á - Thái Bình Dương, Ủy ban định cư châu Á, Tổ chức thiết kế phong cảnh châu Á và Trung tâm nghiên cứu đô thị thành phố Fukuoka (Nhật Bản), với mục tiêu công nhận một môi trường sống thoải mái, hạnh phúc cho người dân châu Á.
Giải thưởng được thiết kế để tôn vinh các thành phố, khu vực, dự án... đã đóng vai trò quan trọng như hình mẫu trong việc xây dựng cảnh quan với môi trường hữu hình, nơi cuộc sống hàng ngày của con người phát triển xung quanh và bao gồm các yếu tố tự nhiên, hữu hình, khái niệm khác nhau như núi, sông, cây xanh, không gian đô thị, các tòa nhà, văn hóa địa phương và các hoạt động của những người sống trong và xung quanh họ.
Công trình Quảng trường Nguyễn Tất Thành (TP Tuyên Quang) là công trình ấn tượng không chỉ tạo dấu ấn về cảnh quan, kiến trúc đô thị mà còn là nơi sinh hoạt văn hóa, chính trị, lịch sử của người dân Tuyên Quang nói riêng và người dân cả nước nói chung khi đến Tuyên Quang. Quảng trường Nguyễn Tất Thành với điểm nhấn là Tượng đài Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang và Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh là công trình văn hóa có ý nghĩa chính trị và nhân văn sâu sắc và là công trình kiến trúc tiêu biểu thể hiện tình yêu của nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang với Bác Hồ kính yêu.
Giải thưởng góp phần quảng bá, giới thiệu hình ảnh tươi đẹp của quê hương Tuyên Quang đến du khách và bạn bè quốc tế. Từ đó góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch trên địa bàn trong thời gian tới.
PV