Từ năm ngoái tôi đã nghe được tin nhạc sỹ Đỗ Gấm đã qua đời ở quê nhà Hà Nam từ mấy người bạn. Ai cũng khẳng định chắc chắn nhưng cũng không ai biết anh ra đi ngày nào. Tôi định viết một bài tưởng nhớ về anh nhưng chưa biết sự thể ra sao nên cứ lần khân mãi. Định bụng để tìm hiểu thêm nhưng cho đến hôm nay cũng chẳng biết gì hơn. Vừa rồi đi dự Đại hội Hội nhạc sỹ Việt Nam ở Hà Nội, tôi tìm gặp một anh bạn nhạc sỹ của Hà Nam, anh đã khẳng định với tôi việc này nhưng cũng không nhớ cụ thể ngày mất của anh. Vẫn chưa thật yên tâm, tôi điện cho nhạc sỹ Hoàng Quang Thế - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao huyện Yên Sơn, nơi trước đây nhạc sỹ Đỗ Gấm đã từng làm việc. Hóa ra đây là nơi thông tin chính xác nhất mà tôi không nghĩ đến, anh Quang Thế nói rất rõ qua điện thoại: “Nhạc sỹ Đỗ Gấm đã mất tại quê nhà: Xóm Tân Tiến, xã Công Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, tháng 9 năm 2012”. Thế là đã rõ... Hôm nay ngồi buồn, lại nhớ về anh với nhiều kỷ niệm thật khó quên...
Nhạc sỹ Đỗ Gấm tên đầy đủ là Đỗ Tiến Gấm, là một trong những nhạc sỹ thế hệ đầu tiên của Tuyên Quang. Nếu nói về lịch sử phát triển của giới sáng tác âm nhạc Tuyên Quang thì không thể không nhắc đến nhạc sỹ Đỗ Gấm. Tuy chưa thể so sánh với nhạc sỹ Trần Công Khanh nhưng nhạc sỹ Đỗ Gấm cũng là lớp nhạc sỹ đầu tiên đã cống hiến, gắn bó cả cuộc đời mình cho nền âm nhạc Tuyên Quang. Chỉ có vài năm đầu, khi mới tốt nghiệp Trường âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam) lên công tác tại Tuyên Quang, anh làm việc trên Ty Văn hóa, còn sau đó anh chuyển về Phòng Văn hóa huyện Yên Sơn, gắn bó ở đây mấy chục năm cho đến ngày nghỉ hưu.
Tôi còn nhớ, khoảng giữa những năm sáu mươi của thế kỷ trước, khi cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ bước vào thời kỳ ác liệt thì tôi mới chỉ là một anh trai làng chập chững bước vào đời. Vốn ham mê văn nghệ từ bé nên tôi rất tích cực tham gia phong trào văn nghệ của trường cũng như của địa phương. Các bài hát thời bấy giờ chúng tôi thường chép vào sổ tay rồi truyền dạy cho nhau rất nhanh. Tôi đặc biệt có ấn tượng với các nhạc sỹ của địa phương, nó là niềm tự hào trong tôi. Mỗi khi có bài hát mới, chưa biết có hay không chỉ cần biết đây là bài hát của các nhạc sỹ Tuyên Quang là chúng tôi học ngay. Cùng với nhạc sỹ Trần Công Khanh và một số nhạc sỹ khác, tên tuổi và những tác phẩm của nhạc sỹ Đỗ Gấm đã đến với chúng tôi từ những ngày đó. Những ca khúc của các anh được in trên tờ Văn nghệ Việt Bắc, được Ty Văn hóa xuất bản, được các cán bộ văn hóa xuống cơ sở hướng dẫn, phổ biến. Hồi đó, những bài hát về chủ đề chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ được công chúng đón nhận với tinh thần rất cao. Khi Tuyên Quang lập chiến công đầu bắn rơi máy bay Mỹ, nhạc sỹ Trần Công Khanh đã có bài hát “Tuyên Quang lập chiến công đầu” được phổ biến rộng rãi. Cùng với bài hát của nhạc sỹ Trần Công Khanh còn có bài của một số tác giả khác trong đó có bài hát “Tiếp chiến công” của nhạc sỹ Đỗ Gấm. Đây là một bài hát viết cho tập thể, ngắn gọn dễ hát dễ thuộc nên cũng được công chúng hào hứng đón nhận. Sau này tôi được biết anh sáng tác bài này từ năm 1966, như vậy còn trước cả bài hát “Tuyên Quang lập chiến công đầu” của nhạc sỹ Trần Công Khanh.
Anh là nhạc sỹ hoạt động chủ yếu ở cấp huyện nên điều kiện để tác phẩm của anh được phổ biến được lan tỏa cũng có những hạn chế nhất định. Công bằng mà nói nhạc sỹ Đỗ Gấm không có nhiều tác phẩm hay nếu hiểu theo đúng nghĩa một ca khúc nghệ thuật nhưng anh lại đặc biệt xuất sắc trong những sáng tác kịp thời phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng. Có thể gọi anh là người chiến sỹ tuyên truyền bằng tác phẩm âm nhạc và nếu nhìn ở góc độ “nhạc sỹ tuyên truyền” thì khó có nhạc sỹ nào theo kịp được anh. Cũng dễ hiểu thôi, anh là Phó Trưởng phòng văn hóa huyện lại trực tiếp phụ trách đội thông tin lưu động nên công việc của anh gắn chặt với cơ sở, với công tác tuyên truyền. Anh sáng tác rất nhanh, mỗi khi đến địa phương nào, tuyên truyền về vấn đề gì là anh có ngay bài hát nói về nội dung đó, sáng tác xong anh cấp tốc hướng dẫn cho đội thông tin tập luyện và kịp thời biểu diễn phục vụ bà con. Nhiều khi anh em chưa kịp thuộc thế là cả thầy và trò cứ cầm giấy mà hát, tuy chất lượng nghệ thuật không cao nhưng tuyên truyền theo kiểu “người thật, bài hát thật” như thế hiệu quả đến với công chúng lại rất lớn. Tôi nhớ, có lần xuống cơ sở tuyên truyền về sinh đẻ có kế hoạch, anh có ngay bài hát mới “Vỡ kế hoạch”, anh em biểu diễn rất sôi nổi, hào hứng, khi hết đoạn 1 bắt đầu dạo nhạc để hát đoạn 2, anh cho một cô diễn viên bước lên đọc thơ như kiểu đọc rap ngày nay: “Học tập em đã rất thông/Nay vỡ kế hoạch tại chồng em thôi/Em nói, em kế hoạch rồi/Chồng em lại cứ lôi thôi, đòi hoài”. Thế là tất cả đồng thanh vừa nói vừa hát: “Chị em cần quyết tâm cao/Đừng để ngọt ngào làm ảnh hưởng chung”. Có thể nói nhạc sỹ Đỗ Gấm rất có nghề trong công tác tuyên truyền, mỗi buổi tuyên truyền là một sinh hoạt văn nghệ bổ ích, vui vẻ, nội dung tuyên truyền vì thế đến với bà con một cách tự nhiên. Trong đó tuyên truyền bằng bài hát là một thế mạnh, chẳng thế mà khi đi tuyên truyền về công tác thủy lợi anh có ngay bài hát “Mương tưới mương tiêu”, tuyên truyền công tác kế hoạch hóa gia đình anh có “Vỡ kế hoạch”, tuyên truyền về ngày thương binh liệt sỹ anh có “Uống nước nhớ nguồn”, xuống nhà máy Z2 anh có “Hát về em người lính thợ tằm tơ” v.v... Hồi ấy tôi mới chỉ là người tập tọe sáng tác lại là phóng viên văn nghệ nên tôi thường được các anh mời đi theo Đội thông tin lưu động của anh, vừa để viết bài tuyên truyền vừa tham gia biểu diễn cùng anh chị em. Tôi nhớ có một lần xuống cơ sở, chẳng biết anh sáng tác bài hát khi nào, khi đến nơi trời đã về chiều đa số anh chị em bị say xe, mệt mỏi không thể luyện tập được thế là tối hôm ấy anh bảo tôi cùng anh vừa ôm đàn vừa nhìn bản nhạc để biểu diễn bài hát mới của anh.
Là một người say sưa với nghề, lúc nào cũng vui vẻ lạc quan nhưng thật trớ trêu thay, cuộc sống riêng tư của anh lại không suôn sẻ. Cuốn tiểu thuyết của cuộc đời anh cũng diễn ra khá phức tạp, “Tập một” tưởng như trọn vẹn, anh có người vợ tần tảo đảm đang, mấy đứa con của anh đứa nào cũng cao ráo xinh đẹp, thế mà cuối cùng tổ ấm gia đình ấy cũng tan vỡ. Anh bước tiếp sang “Tập hai” chẳng những không tốt lên mà lại càng tồi tệ hơn, đã về cuối đời mệt mỏi anh muốn an phận nhưng xem ra cũng không ổn chút nào. Thế là sau nhiều ngày suy nghĩ đắn đo, khi tuổi đã cao với một cánh tay bị tàn phế (nghe anh nói lúc đang trên lớp dạy nhạc, tay cầm phấn viết nốt nhạc trên bảng, bỗng dưng như có làn gió thoảng qua làm tay anh thõng xuống, thế là từ đấy không cử động được nữa) anh bất đắc dĩ lại phải một thân một mình trở về quê nhà Hà Nam sống cuộc đời còn lại với anh em họ hàng. Một con người ốm yếu bệnh tật, tâm hồn luôn nặng nề nhưng anh vẫn không thể từ bỏ âm nhạc. Thời kỳ đầu còn khỏe, thỉnh thoảng anh có gọi điện lên khoe đang dạy nhạc cho một số em địa phương, một công việc anh đã làm mấy chục năm ở Tuyên Quang. Chính Nhà thiếu nhi Tuyên Quang là địa chỉ cuối cùng trước khi anh về Hà Nam. Sau đó chắc vì bệnh tật của anh nặng dần, nên sự liên lạc cũng thưa dần rồi mất hẳn, gọi vào số máy của anh mấy lần đều không được, thế là chẳng còn biết những ngày cuối cùng của anh như thế nào nữa.
Hôm nay, ghi lại những dòng này chỉ muốn nhắc lại những kỷ niệm về một người nhạc sỹ đã cống hiến cả cuộc đời mình cho mảnh đất Tuyên Quang này. Nhưng anh Đỗ Gấm ơi! Ở đời chẳng ai được tất cả và cũng chẳng ai mất đi tất cả đâu. Chúng tôi biết rằng, về quê nhà tuy bệnh tật nhưng anh vẫn say sưa với công việc dạy nhạc cho lớp trẻ và phải chăng chính từ những công việc có ý nghĩa cao đẹp này mà anh đã được một cô giáo cùng cảnh ngộ yêu mến để anh có một “Tập ba” khép lại cuộc đời lang thang sóng gió nhưng có thể nói là có hậu của anh. Xin vĩnh biệt nhạc sỹ Đỗ Gấm!
Tháng 6 năm 2015
T.Đ