Tuyên Quang vào Thu, nắng sóng sánh rải đều trên vòm lá xôn xao, thời tiết mát dịu, chợt nhận ra Tết Trung thu đã cận kề. Lúc này phố xá đã nhộn nhịp các quầy hàng bánh nướng bánh dẻo, những phố đồ chơi lung linh sắc màu Trung thu.
Lễ hội Thành Tuyên là lễ hội độc đáo nhất. Lễ hội được tổ chức vào dịp Trung thu hàng năm và xuất phát từ tấm lòng yêu trẻ của người dân thành phố. Điểm nhấn của Lễ hội chính là những mô hình đèn trung thu khổng lồ được người dân các tổ dân phố tự tay làm và rước qua các tuyến phố. Những mô hình đèn trung thu khổng lồ đều được xây dựng dựa trên các câu chuyện lịch sử, truyền thuyết dân gian và từ thực tiễn đời sống, lao động sản xuất của nhân dân trong từng giai đoạn lịch sử.

Đám cưới chuột.
Lễ hội Thành Tuyên là một lễ hội Trung thu hết sức độc đáo và riêng có của tỉnh Tuyên Quang, được các cháu thiếu nhi và nhân dân của tỉnh cùng đông đảo du khách gần xa mong đợi. Đến với Lễ hội Thành Tuyên, du khách được đắm mình trong bầu không khí náo nức, rộn ràng của tiếng trống, tiếng nhạc với những điệu dân vũ truyền thống được biểu diễn bởi những nam thanh, nữ tú trong những bộ trang phục dân tộc đầy màu sắc của 22 dân tộc anh em của miền đất xứ Tuyên xinh đẹp, mến khách. Lễ hội Thành Tuyên được tổ chức gắn với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, du lịch như các hoạt động trưng bày, giới thiệu nét ẩm thực đa dạng, phong phú của các dân tộc tỉnh Tuyên Quang.

cá chép vượt vũ môn.
Trước cả tháng nay, các nhà hàng, khách sạn tại thành phố Tuyên Quang đã kín lịch đặt phòng, các nhà hàng đã đông nghịt khách tham quan, không chỉ đến từ nhiều tỉnh thành trong cả nước mà còn có cả khách nước ngoài đến đây thưởng thức các món ăn đặc sản núi rừng Tuyên Quang, được đắm mình vào không gian sôi động khi những ánh đèn lung linh khắp các dãy phố bắt đầu sáng cũng là lúc các mô hình đèn trung thu của các tổ dân phố bắt đầu rước quanh thành phố. Đến đây, mọi người có thể tha hồ chụp những bức ảnh về những chiếc đèn lồng hình con chim khổng lồ trong khi một số người khác dành thời gian kể lại câu chuyện của Thỏ và Rùa, truyện cổ tích Thánh Gióng, hay Đám cưới chuột nổi tiếng từ những hình minh họa trang trí trên đèn lồng. Bất cứ nơi nào đèn lồng di chuyển đến, trẻ em đều nhảy múa và thậm chí ca hát, reo hò vui đáo để. Với cuộc diễu hành đầy màu sắc của những chiếc đèn lồng khổng lồ, thành phố Tuyên Quang trở thành điểm đến du lịch lý tưởng ở Việt Nam để tận hưởng mùa trung thu thú vị cùng với gia đình và trẻ em. Chuyến du lịch đến Tuyên Quang chắc chắn sẽ mang đến cho bạn một trong những lễ hội Trung thu ý nghĩa. Đồng thời bạn sẽ được tận hưởng những kỷ niệm ngọt ngào cùng với gia đình tại thành phố xinh đẹp này. Các mô hình đèn Trung thu do người dân Tuyên Quang tự làm, đều mô phỏng theo các câu truyện cổ tích trong dân gian và từ thực tiễn đời sống, lao động sản xuất của nhân dân địa phương. Nguyên liệu làm đèn chủ yếu là vật dụng bằng tre, nứa, giấy sẵn có được người dân chẻ, vót, đan lại với nhau và kết đèn trang trí nhiều màu sắc, tạo nên những con vật có hình dáng, kích cỡ, thần thái sống động, hấp dẫn không chỉ với trẻ nhỏ mà còn tạo ấn tượng đặc biệt với du khách.

Cặp đôi thiên nga.
Lễ hội Thành Tuyên không chỉ là một sự kiện văn hóa đặc sắc, mà nó còn trở thành sản phẩm du lịch riêng có của người dân Tuyên Quang. Lễ hội cũng là dịp để giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá đến bạn bè trong nước và quốc tế về hình ảnh miền đất, con người và các giá trị di sản văn hóa của tỉnh, đặc biệt là những giá trị hết sức đặc sắc về lịch sử, văn hóa của miền đất Tuyên Quang giàu truyền thống - quê hương Cách mạng, Thủ đô khu giải phóng - Thủ đô kháng chiến qua đó từng bước xây dựng Lễ hội Thành Tuyên trở thành sản phẩm du lịch có thương hiệu và uy tín cấp quốc gia và khu vực, góp phần thúc đẩy ngành du lịch của tỉnh ngày càng phát triển.
Đã hơn mười năm kể từ ngày một lễ hội truyền thống ra đời. Đến bây giờ, Trung thu không còn là lễ hội của riêng thiếu nhi, mà đã trở thành một phần không thể thiếu của người dân nơi đây, bất kể già trẻ trai gái, nam phụ lão. Có tận mắt chứng kiến những đoàn rước diễu hành với những nam thanh niên múa lân đi trước, các thiếu nữ cùng các mẹ, các chị thướt tha trong trang phục dân tộc, hoặc hóa trang đủ mọi sắc mầu đi dọc hai bên đoàn rước, các em thiếu nhi reo hò vẫy chào trên xe, những dàn trống ba thế hệ ông-cha-con nhịp nhàng gõ nhịp mới thấy hết được cái sự đi vào lòng người, cả thành phố tham gia diễu hành với đủ các sắc màu trang phục, trong sự hân hoan theo dõi, đón chào và chiêm ngưỡng của hàng vạn du khách - còn nơi nào tính chất lễ hội đường phố được thể hiện rõ nét đặc trưng và say đắm lòng người. Hơn mười năm là khoảng thời gian quá ngắn để định hình và phát triển cho một truyền thống văn hóa. Nhưng với những gì đang diễn ra, người dân Tuyên Quang hôm nay đã thành công trong việc tự tạo dựng cho mình một lễ hội truyền thống sẽ ghi dấu mãi về sau này cho những thế hệ tiếp theo. Những thiếu nhi nơi đây, dù lớn lên có bôn ba miền xa, cũng sẽ không thể nào quên được không khí của ngày hội của tuổi thơ gắn liên với những năm tháng đẹp nhất của cuộc đời. Những du khách đến đây cũng sẽ tìm lại được cảm giác nguyên sơ với trọn vẹn ý nghĩa của Tết Trung thu.
Ngọc Thảo