Đỗ Anh Mỹ và tiểu thuyết Rễ Rừng
Thứ 3, 19/7/2022 - 9:58
* Trịnh Thanh Phong

 

Đỗ Anh Mỹ đến với nghề văn không muộn nhưng cũng không quá sớm, ông bắt đầu bằng những bút ký và ngay từ cuộc thi viết về đề tài An ninh Tuyên Quang do Sở Công an phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức năm 1995 và giành giải Nhất. Từ ấy ông cặm cụi viết và đều đặn cho ra mắt bạn đọc nhiều truyện ngắn, bút ký, ghi chép được đăng tải trên các báo địa phương và Trung ương. Những sáng tác của ông đều giản dị, hồn nhiên như những gì đang có ở xung quanh mình, ông không cầu kỳ trong cách kể, cách bố cục của câu chuyện. Bằng tấm lòng mình, cảm xúc của mình mà mỗi câu chuyện ông sinh nở ra đều ấm áp, tươi nguyên như chính bản thân nó tự tươi nguyên và cứ thế lan rộng làm ấm lòng bạn đọc ở mọi lứa tuổi. Ví như truyện ngắn: Cô bưu tá, Bẩy quả thị tiên, Ba điều ước, Ra thành phố, Chuyện ở Khe Hu... Tất cả đều chân thật theo từng con chữ nở ra từ cảm xúc của ông. Truyện tưởng không có chuyện, thế mà đọc xong gấp sách lại cứ thấy lòng rồn rộn, ấm áp lạ thường. Điều đó chứng tỏ tấm lòng của ông dành cho nghề viết. Ông tự thể nghiệm nhiều thể loại. Truyện ngắn, bút ký, tiểu thuyết, thậm chí còn làm thơ nhưng nổi bật nhất là những trang viết về thiếu nhi. Ở mảng viết này ông đã mang đến cho thế hệ trẻ những cảm xúc, những khái niệm về con người, thiên nhiên rất sinh động như tập truyện: Jerri lên rừng lấy thuốc nam, Cô bé Cánh Cam... Ông từng đoạt giải Nhất cuộc thi viết về đề tài thiếu nhi do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức năm 2007. Từ ấy ông miệt mài với văn chương nhiều hơn. Bên cạnh nhiệm vụ của một sỹ quan công an, ông vẫn dành thời gian cho mỗi trang viết của mình, ông hăng hái tham gia hoạt động của Hội và lần lượt cho ra mắt bạn đọc nhiều tập truyện ngắn, tiểu thuyết. Mỗi tác phẩm của ông đều được bạn đọc yêu văn chương trân trọng, được các Hội chuyên ngành Trung ương và địa phương trao giải thưởng. Điều đó chứng tỏ ông là một cây bút khỏe, có chỗ đứng trong đội ngũ những người cầm bút ở Tuyên Quang.

Sau Tiểu thuyết Nẻo đường, mới đây ông lại cho ra mắt bạn đọc tập Tiểu thuyết Rễ rừng. Tập tiểu thuyết có độ dày 239 trang do Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân ấn hành năm 2022. Tôi cũng may mắn được ông gửi tặng tập tiểu thuyết này. Vui quá, cảm động quá, tôi mở đọc liền, cũng chả vất vả bao nhiêu, chỉ vài ngày là xong, gấp sách lại hình ảnh con người, thiên nhiên trong tiểu thuyết cứ hiển hiện vừa thân gần, vừa giản dị tựa hồ như vừa mới gặp, vừa mới xa nhau. Qua mỗi trang viết tôi gặp cái cảm giác như đang được cùng ông đến và ăn ở cùng với bản làng, cùng các nhân vật ở động Loong Coong, tổng Yên Thái thân quen. Không gian trong tiểu thuyết Rễ rừng chỉ gọn trong cái tổng Yên Thái ấy nhưng nó lại có thời gian dài, do vậy mỗi nhân vật trong truyện dù ở bên thiện, bên ác đều được ông cắt nghĩa rạch ròi. Người ác dù ác bao nhiêu, mưu mô bao nhiêu cuối cùng cũng được thanh lọc và trở về cùng với người thiện quây quần trong cùng một mối, chung tay xây dựng bản làng ngày một giàu có, văn minh.

Cốt truyện trong Rễ rừng thuộc hệ đơn tuyến nên nhân vật và sự kiện cũng chỉ ở trong phạm vi hẹp, xuyên suốt tác phẩm là cậu bé Út Ly cùng đám trẻ ở bản Loong Coong, tổng Yên Thái. Mỗi đứa có hoàn cảnh xuất thân khác nhau, đứa con nhà quyền quý trong tổng, đứa con nhà nghèo, đứa con thầy cúng... nhưng cùng ở cái tổng dưới cánh rừng, bóng núi ấy chúng phải tụ tập với nhau, chơi với nhau. Trong đám mục đồng ấy Út Ly là cậu bé đặc biệt, mồ côi mẹ từ bé, bố lại nghèo, lại bệnh tật, do vậy không có tiền đi học, người Dao, theo phong tục đến tuổi trưởng thành mà không được cấp sắc là không thành đứa con của dòng tộc... mà muốn được cấp sắc thì phải biết cái chữ. Út Ly hiểu điều này và quyết tâm đi tìm cái chữ, may được ông Thân, một thầy cúng có tấm lòng đã nhận Út Ly theo phục dịch ông việc hành lễ cúng trong vùng. Là đứa sáng dạ, có chí hướng, Út Ly vừa phục vụ thầy Thân vừa miệt mài học chữ, biết được nhiều cái chữ Út Ly trở thành thủ soái của đám mục đồng ở động Loong Coong. Trong đám trẻ ấy có đứa là con ông chánh, ông đội như Bàn Triệu Nghĩa dù trong bụng tức tối, ghen ghét Út Ly nhưng vẫn phải thán phục. Còn những đứa trẻ cùng hoàn cảnh như Mơ, Mận, Hoa, Lê... thì coi Út Ly như người ruột thịt, chúng thường tụ tập theo Út Ly làm những việc tốt như rủ nhau vệ sinh làng bản, học chữ... Thấy vậy đám quyền quý trong bản sinh nghi, tìm cách ngăn cản công việc của Út Ly. Nhưng là đứa trẻ thông minh, lại may mắn gặp người hoạt động bí mật trên núi (anh Hùng Sơn), một cán bộ Việt Minh giác ngộ, Út Ly càng hăng hái và sáng tạo hơn trong công việc của mình. Một phần Út Ly vẫn theo thầy Thân đi học chữ và phục vụ ông trong việc cúng lễ, một mặt Út Ly âm thầm tổ chức đám bạn bè vận động bà con trong bản cùng học. Út Ly còn biết sáng tạo, biết bám vào phong tục, tập quán của dân tộc mình để tuyên truyền đường lối của Việt Minh mà Út Ly được giác ngộ từ anh Hùng Sơn. Những việc làm của Út Ly đụng chạm đến quyền lợi của đám quyền quý chức sắc tay sai cho thực dân phong kiến trong bản. Chúng tìm cách ngăn cản, triệt phá. Tình thế ấy Út Ly đành phải rời bản, xa những người bạn thân, xa bố tìm đường ra nhập Việt Minh. Trải qua muôn trùng núi rừng đèo dốc gian nan, Út Ly gặp anh Thể, một người quen cũ có cảm tình với Út Ly, anh cùng nhập cuộc. Hai anh em lần rừng đi, khi gặp hổ, khi đói khát, luồn rừng thâu đêm, cuối cùng cũng đến được nơi cần đến. Út Ly được thử thách tại nhà ông Bưởng, may hôm ấy cô Hạnh con gái ông lại bị cảm, Út Ly biết nghề thuốc và chữa cho cô khỏi, từ đấy được gia đình tin cậy và nhờ ông Bưởng mà Út Ly đã gặp được tổ chức Việt Minh, được ghi vào danh sách, được học tập huấn luyện. Tại đây trong quá trình học tập, gắn bó với tổ chức Việt Minh, với gia đình ông Bưởng, từ ân nghĩa được Út Ly chữa khỏi bệnh, Hạnh có cảm tình với Út Ly, hai người gắn bó với nhau, được sự đồng thuận của gia đình, tổ chức hai người kết duyên vợ chồng. Cuộc hôn lễ được tổ chức giản dị vừa đậm đà bản sắc dân tộc vừa mới mẻ theo chính sách của tổ chức bí mật. Út Ly được đổi tên là Bàn Kiên. Sau quá trình rèn luyện, Bàn Kiên được tổ chức điều trở lại tổng Yên Thái hoạt động. Lúc này phong trào cách mạng của quần chúng đang sôi sục chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa. Bàn Kiên nhanh chóng hòa vào phong trào cùng với tổ chức Việt Minh tại cơ sở Yên Thái lãnh đạo nhân dân vùng lên cướp chính quyền về tay nhân dân. Chính quyền non trẻ của nhân dân vừa được ra đời thì thực dân Pháp lại dã tâm quay lại xâm lược nước ta một lần nữa, tổng Yên Thái lại bước vào cuộc chiến mới. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là bác Thế Khang, anh Thùy Lê... Bàn Kiên luôn là nhân vật tích cực luôn đi đầu và có nhiều đóng góp cho kháng chiến. Kháng chiến thắng lợi, tổng Yên Thái lại bước vào công cuộc cải tạo xã hội, đấu tranh thực hiện người cày có ruộng, Bàn Kiên luôn là nhân tố tích cực, tham mưu cho chính quyền hoàn thành tốt công cuộc cải cách ruộng đất và đưa bà con tổng Yên Thái vào công cuộc đổi mới, xây dựng hợp tác xã. Bàn Kiên được giao nhiệm vụ trọng trách làm chủ nhiệm hợp tác xã. Nhận nhiệm vụ này, với tấm lòng của người con yêu quê hương, Bàn Kiên thấy nếu cứ để bà con định cư ở động Loong Coong thì không thể thoát được đói nghèo. Nhiều ngày đêm trăn trở, suy nghĩ, Bàn kiên đã thảo kế hoạch dời dân từ động Loong Coong về Đồng Vàng. Kế hoạch đưa ra được cấp trên ủng hộ, bà con đồng lòng, xong quá trình thực hiện nhiện vụ Bàn Kiên cũng gặp không ít khó khăn, cản trở. Những nhân vật tiêu cực từng có máu mặt trong chính quyền cũ tìm cách phá hoại, họ lợi dụng vào phong tục tập quán để cản đường đi lên của bà con. Nhất là khi các công trình thủy nông ở Đồng Vàng triển khai gặp trắc trở, họ tuyên truyền chuyện ma quỷ để lôi kéo bà con bỏ Đồng Vàng về lại động Loong Coong. Hiểu rõ âm mưu này, bằng tấm lòng yêu quê hương, Bàn Kiên đã cùng với những người tích cực tìm ra kẻ giấu mặt. Khi kẻ giấu mặt lộ nguyên hình Bàn Kiên không đao to, búa lớn, không dùng hình phạt trả thù mà bằng tấm lòng nhân ái của mình cảm hóa họ trở thành người tốt cùng chung tay xây dựng quê hương. Người bản lại tụ một lòng quyết tâm xây dựng bản mới ở Đồng Vàng nhưng công việc bắt nước từ rừng về mương máng đâu chuyện dễ dàng, việc khơi mương, xây cống buổi đầu đã có sách vở nào dạy đâu. Mương khơi nước ứ không thông làm cống vỡ, nước không về được ruộng đồng, cái khó khăn chồng chất mỗi ngày. Lo công việc, Bàn Kiên đổ ốm, ra viện nằm, thấy cô y tá để cái ống tiêm lên bàn, cái ống tiêm lăn ngang, bọt nước trong cái ống cũng lăn ngang, thấy lạ, Bàn Kiên vớ cái ống tiêm xoay đi, xoay lại dọc cái bàn, thấy bọt nước cứ chuyển động theo chiều xoay. Như nảy ra điều lạ, Bàn Kiên xin mua cái ống tiêm có chứa nước cất ấy và cứ thế bỏ bệnh viện về bản làm cho mấy cô y tá cứ ngớ ra chả biết xuôi ngược ra sao. Về đến bản, Bàn Kiên nghiên cứu từng khúc mương, đoạn đập, ông đặt cái ông tiêm theo chiều mương, đập lấy hướng cái bọt nước, từ ấy cân đối độ dốc của lòng mương. Qua thể nghiệm thấy có hiệu quả, hệ thống mương máng được hoàn thiện dần từ sáng tạo này. Cuối cùng mọi việc cũng hoàn hảo. Hệ thống phai đập, mương máng được hoàn thiện, nước từ suối rừng tràn về đồng ruộng, việc gieo cấy mùa màng trên Đồng Vàng được thuận lợi năm hai vụ mà chả khó nhọc gì. Bà con ai cũng phấn khởi một lòng tin tưởng Bàn Kiên và từ đó những chuyện con ma về quấy Đồng Vàng cũng biến mất. Những mùa vụ bội thu làm nức lòng bà con ở Đồng Vàng và tại hội nghị thi đua của huyện nhiều người được cấp trên khen thưởng, riêng Bàn Kiên được tôn vinh là anh hùng lao động lớn lên từ động Loong Coong - Đồng Vàng. Bàn Kiên tự tỏa sáng một tấm gương trên con đường cùng quê nhà đấu tranh giành độc lập, và xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp theo con đường của Đảng, Bác Hồ chỉ ra.

Bám suốt từ cái tên Út Ly ở bản Loong Coong qua phong trào cách mạng từ bóng tối đến Bàn Kiên ở vùng căn cứ về đến Đồng Vàng thấy mọi mối quan hệ từ nhân vật qua mỗi thời kỳ đều phức tạp, có lúc như dàn trận một mất một còn nhưng từ tấm lòng, ý chí của Bàn Kiên mọi xung đột giữa cái tốt và cái xấu, những kẻ lạc hậu, bảo thủ, đố kỵ như cha con Nghĩa, ông chánh tổng, cán bộ Lâm... đều được thanh lọc, người ở động Loong Coong (Đồng Vàng) cuối cùng đều tụ về một mối. Đến đây ta mới ớ ra Út Ly (Bàn Kiên) chính là Bàn Hồng Tiên, anh hùng lao động, người con ưu tú của nhân dân các dân tộc Chiêm Hóa nói riêng và của Tuyên Quang nói chung.

Vỡ ra điều này mới thấy Rễ rừng của Đỗ Anh Mỹ là một tác phẩm khá hoàn hảo, hoàn hảo ở sự công phu khi tác giả tiếp cận hiện thực và sưu tầm tư liệu. Cái vốn ông cóp nhặt được từ hiện thực phong phú ở Đồng Vàng đã được ông lựa chọn sắp đặt đan bện thành những khuôn hình sinh động, người và cảnh vật thiên nhiên được hiện lên như là tự nó có thật. Quá trình trưởng thành của cậu bé Út Ly (Bàn Kiên) tự hiện sáng điều này. Đọc Rễ rừng thấy Đỗ Anh Mỹ có thế mạnh viết về thiếu nhi, điều này được chứng minh rất rõ từ nhân vật Út Ly (Bàn Kiên) cùng đám trẻ mục đồng ở động Loong Coong. Ở đây mỗi người xuất thân một hoàn cảnh khác nhau, một lẽ sống khác nhau nhưng được Út Ly cảm hóa họ đều gặp nhau ở Đồng Vàng với một mục đích chung là xây dựng gia đình, quê hương ấm no, hạnh phúc. Tình tiết trong Rễ rừng được Đỗ Anh Mỹ kể rất chân thực vì thế câu chuyện dù được hư cấu phần nào nhưng nó vẫn đậm đà tính người tốt, việc tốt. Chuyện giàu tính tuyên truyền, giáo dục khá sâu sắc. Nó giúp cho người đọc vừa cảm nhận, vừa học tập được ở Út Ly (Bàn Kiên) những đức tính tốt, luôn một lòng sống hy sinh vì sự nghiệp chung của quê nhà. Đồng thời Rễ rừng cũng để lại một bài học đầy ý nghĩa ấy là muốn làm cách mạng thành công thì cũng giống như cái rễ cây phải biết bám vào đất rừng thì mới tạo ra được màu xanh của cả cánh rừng. Đây là kết quả và thành công khá cao của tiểu thuyết Rễ rừng.

Tuy nhiên bên cạnh ưu điểm này Tiểu thuyết Rễ rừng cũng không tránh khỏi những khiếm khuyết trong phương pháp thể hiện. Như trên đã nói Rễ rừng được cấu trúc thuộc hệ đơn tuyến, không gian câu chuyện chỉ ở phạm vi một làng xã, thời gian câu chuyện lại là một hành trình dài mà nhân vật chính thống chỉ một Út Ly vì thế khi giao tác với các nhân vật xung quanh những lúc ở những tình huống đấu tranh giữa cái thiện, cái ác, cái đúng, cái sai thiếu những chi tiết xung đột đến đỉnh điểm nên mọi mâu thuẫn trong truyện được thanh lọc hơi nhẹ nhàng, người đọc thấy hơi dễ dãi. Mặt khác nữa là khi miêu tả nhân vật thường người ta bao quát cả hình thức với nội tâm, hình thức nhân vật phải ăn khớp, phù hợp với nội tâm trước mọi hoàn cảnh phải xử lý thì nhân vật mới có tính cách động. Ở Rễ rừng nhiều chi tiết tác giả hơi đơn sơ khi miêu tả nhân vật. Ví như đoạn Út Ly được thầy Thân làm cấp sắc. Lẽ ra phải để Út Ly thể hiện hành động, suy nghĩ như thế nào với thầy Thân trước, trong và sau giờ làm lễ để nghi lễ cấp sắc tự bày ra để mọi người thấy thì mới có hơi thở của câu chuyện. Ở đây tác giả lại làm như thảo luôn ra bài cấp sắc gồm các bước... (trang 69 - 73) để Út Ly thực hiện. Như thế này vô tình hình ảnh nhân vật bị nhòa đi mà chỉ thấy văn bản bài cấp sắc hiển hiện. Cũng mô típ này đến những trang miêu tả Út Ly (Bàn Kiên) được tiếp thu chủ trương đường lối từ bác Thế Khang, anh Thùy Lê lãnh đạo nhân dân Yên Thái đứng lên giành chính quyền cũng vậy. Lúc này lẽ ra phải miêu tả hình ảnh Út Ly (Bàn Kiên) hăng hái, mưu trí... lồng lộng giữa dân chúng thì mới thuyết phục, ở đây tác giả lại thái quá về lịch sử... Cứ tuồn tuột nêu tình hình thế giới, trong nước đang diễn ra... đọc những trang viết này như là chỉ thấy trang sử được tường thuật lại, hình ảnh nhân vật bị lấp đi trước phong trào rầm rộ của nhân dân địa phương ngày tổng khởi nghĩa. Qua đây thấy cái téc ních (cái nghề) trong Rễ rừng còn thiếu tinh túy. Giá như những sự kiện trên tác giả làm được như chương viết Bàn Kiên sau những khó khăn trong công cuộc di dân từ Loong Coong về Đồng Vàng, xây dựng công trình thủy lợi gặp nhiều trắc trở, Bàn Kiên đổ bệnh ốm, ra viện điều trị, phát hiện thấy cái bọt nước trong ống tiêm, Bàn Kiên mua và bỏ viện về nhà để bắt tay vào nhiệm vụ... (trang 236...) trang viết sống động này làm cho nhân vật có hồn cốt, đọc rất thú vị. Tiếc là những trang viết như thế này trong Rễ rừng hơi ít. Dù sao Tiểu thuyết Rễ rừng cũng khá công phu, khá hoàn hảo.

Tin rằng Rễ rừng sẽ chiếm được cảm tình trong lòng bạn đọc. Đôi dòng tri ân cũng là tình cảm cá nhân khi đọc Tiểu thuyết Rễ rừng. Có chi quá nhời mong tác giả lượng thứ và coi đó là ý kiến tham khảo.

Cuối tháng 5/2022

T.T.P

 

Lượt xem:419 Bản in









Các tin đã đăng:
   Nông thôn trong Tiểu Thuyết Trịnh Thanh Phong - Đăng ngày:  22/07/2022
   Tạ Bá Hương - Đau đáu từ Đôi mắt đợi - Đăng ngày:  10/02/2022
   Cuộc thi thơ Tuyên Quang năm 2021- nơi hội tụ của sự sáng tạo nghệ thuật - Đăng ngày:  04/01/2022
   Đọc “Rừng có tiếng người” nhớ cố nhà văn Đinh Công Diệp - Đăng ngày:  25/11/2021
   Nghệ thuật diễn xướng Soọng cô của người Sán Dìu - Đăng ngày:  29/10/2021
   Cuốn sách đồ sộ về triều đại nhà Đinh - Đăng ngày:  11/10/2021
   Nghệ sỹ sáng tạo nghệ thuật - Đăng ngày:  30/07/2021
   PHỎNG VẤN ĐẦU NĂM. THỰC HIỆN: VĂN TÂN - Đăng ngày:  05/02/2018
   ĐINH HUYỀN TRANG - Đăng ngày:  21/12/2017
   TRẦN LỆ THANH - Đăng ngày:  21/12/2017

Tổng số: 14 | Trang: 1 trên tổng số 2 trang  


Xem tin theo ngày:     Tháng:    Năm:     
HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT TỈNH TUYÊN QUANG
Giấy phép xuất bản số: 09/GPTTĐT-STTTT ngày 02/02/2021 của Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Tuyên Quang
Chịu trách nhiệm: Đinh Công Thủy - Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Tuyên Quang - Điện thoại: 02073 823 508
Trụ sở: Số 215, đường Tân Trào, phường Phan Thiết, thành phố Tuyên Quang. Điện thoại: 02073 822 392 - Email: baotantraotq@gmail.com
@ Bản quyền thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tuyên Quang

   Design by 

Online:
47

Lượt truy cập:
14.938