Cuộc thi thơ Tuyên Quang năm 2021- nơi hội tụ của sự sáng tạo nghệ thuật
Thứ 3, 4/1/2022 - 17:40
* Tạ Bá Hương

 

Đầu tháng 1 năm 2021, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tuyên Quang phát động Cuộc thi “Thơ Tuyên Quang năm 2021”, với chủ đề về quê hương, đất nước và tình yêu. Cuộc thi này nhằm mục đích tạo cơ hội cho các tác giả của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh và những người có khả năng sáng tác các tác phẩm thơ trên mọi miền đất nước; khuyến khích các tác giả khai thác chất liệu về vùng đất, con người Tuyên Quang hào hùng trong quá khứ, tình nghĩa thủy chung và khát vọng hướng đến những giá trị thẩm mỹ tốt đẹp của người Tuyên Quang trong cuộc sống hiện tại; đồng thời tìm kiếm, phát hiện những tài năng văn học trẻ, từ đó góp phần phát triển văn học trong tình hình mới.

Có lẽ, lâu rồi Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tuyên Quang mới có được cuộc thi thơ mà các tác giả không chỉ khu biệt trong phạm vi tỉnh mà còn được mở rộng không gian để các tác giả trên khắp mọi miền Tổ quốc cùng tham gia. Đây có thể coi là bước thay đổi đáng kể về quy mô và hình thức tổ chức. Tuy thời gian phát động ngắn, lại trong điều kiện dịch Covid-19 xuất hiện, nhưng tính đến hết tháng 10, Ban tổ chức đã nhận được gần 800 tác phẩm thơ của trên 100 tác giả trong cũng như ngoài tỉnh.

Nét nổi bật từ cuộc thi này là các tác giả đã khai thác nhiều chiều cạnh của cuộc sống, nhiều bài thơ có được sự sáng tạo độc đáo, mới lạ. Mỗi người một giọng điệu, một phong cách sáng tạo, nhưng họ đều có lợi thế là khai thác các chất liệu sinh động trong đời sống xã hội để đưa vào mỗi trang viết của mình. Đó chính là tiếng lòng, là máu thịt đối với quê hương, xứ sở. Ở đó còn có cả những suy tư, trăn trở, tâm sự buồn vui với cuộc đời. Từ nhiều thể thức dưới dạng thơ lục bát, song thất lục bát, thất ngôn và cả thể thức thơ tự do, các tác giả đã khéo léo vận dụng vốn sống, vốn ngôn ngữ để xây dựng hình tượng cho thơ. Ở đây có thể kể đến một số tác giả, như: Vương Huyền Nhung, Cao Xuân Thái, Tống Đại Hồng, Lê Na... Họ là những cây bút không chỉ chững chạc ở nghề mà còn có nhiều tìm tòi, đổi mới, với những tác phẩm thơ thực sự ấn tượng về nội dung đề tài và cách thức thể hiện.

Với tác giả thơ ở Tuyên Quang, Tống Đại Hồng là một trong những người gửi thơ tham gia sớm nhất, với chùm thơ lục bát gồm 4 bài thơ. Ông dùng thể thơ lục bát để dãi bày tâm trạng nên những hiệu ứng và sự rung cảm thẩm mỹ và cả những triết lý sống. Cái triết lý ấy chính là mạch nguồn văn hóa để con người tìm về giá trị nguồn cội của mình:

Cùng mẹ lội suối trèo đèo

Ruộng vườn nương rẫy lần theo cuộc đời

Dạy con học nết làm người

Năng mài thì sắc dao ngời thép xanh.

                               (Con dao của mẹ)

Chùm thơ của Tống Đại Hồng hiền hậu, tuy không có sự phá cách trong sáng tạo, nhưng trên cái nền thơ truyền thống ấy, tác giả tìm được khuôn mặt mới cho thơ từ sự đằm sâu của cảm xúc và sự chiêm nghiệm trong cuộc đời:

Lúa đồng cõng nặng bão dông

Bát cơm trắng dẻo cực lòng đắng cay

Con như cây mạ lay phay

Ủ sâu ân nghĩa chờ ngày đơm bông.

                             (Thăm lại ngày xưa)

Ngoài 70 tuổi, song trái tim đa cảm của tác giả Nguyễn Bình vẫn lắng lại phía trời xa, lắng nghe cả chuyện nhân tình thế thái, để rồi trải lòng mình dạt dào qua mỗi câu thơ. Những địa danh và con người xứ Tuyên cũng theo câu chữ mà ùa vào thơ của ông. Ông cũng dành nhiều trang viết về những chiêm nghiệm của cuộc đời. Có người cho rằng, Nguyễn Bình sinh ra không phải để làm thơ, song thơ đã chọn ông mà gửi gắm, vỗ về. Ông là người viết khỏe và luôn trăn trở để tìm hướng đi mới cho thơ mình. Mỗi bài thơ của ông giống như mỗi nhịp tim rộn ràng cùng nhịp đập yêu thương với mảnh đất, con người Tuyên Quang nơi ông gắn bó. Thơ ông luôn có sự ấm áp, mộc mạc và cả sự chân tình trong sáng tạo.

Trong cuộc thi “Thơ Tuyên Quang năm 2021”, tác giả Nguyễn Bình trình làng 2 bài thơ khá chững chạc. Trong đó, bài thơ “Xứ Tuyên” được xem là bài thơ khá độc đáo, nhiều vấn đề về thế giới nhân sinh quan và cả chiều sâu văn hóa được khắc họa một cách nhuần nhuyễn, khá tinh tế:

Cổ thụ cây, cổ thụ tình người bao dung

Đại ngàn chép sử núi rừng

Vòng vòng lõi gỗ chép thời gian.

                                (Xứ Tuyên)

Để rồi, ở đó người ta chợt nhận ra, khi mọi thứ thay đổi trong vòng xoáy thời gian thì các giá trị cốt lõi truyền thống vẫn được con người gìn giữ lại:

Ngày ấy đã trôi xa

Còn giữ lại chiếc bình vôi và lời Then của mẹ

Chiếc điếu cày và tiếng khèn của cha xôn xao...

Người già chìm trong thao thức

Xứ Tuyên như thực, như mơ.

                                   (Xứ Tuyên)

Không chỉ có đông đảo các tác giả thơ Tuyên Quang tham dự cuộc thi mà ở cuộc thi này, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tuyên Quang cũng đã nhận được hàng trăm tác phẩm, của các tác giả đến từ: Hà Nội, Hậu Giang, Đắk Lắk, Long An, Nghệ An, Đà Nẵng, Thái Nguyên, Hải Dương...

Tác giả Doãn Long (Thái Nguyên) gửi về chùm thơ gồm 5 bài để dự thi. Dường như thơ của tác giả này lại cứ như hạt lúa lấm láp nơi bết bùn rơm rạ, nhưng lấp lánh những hạt chữ tươi dòng. Những trang viết của anh đáng để chúng ta đọc, suy ngẫm từ một trái tim đa cảm đang hát lên. Khúc hát ấy lắng sâu những nỗi niềm về con người, vùng đất và cả những mùa màng đang qua đi. Cảm xúc xuyên suốt trong cả chùm thơ của tác giả là về làng quê yêu dấu. Những con người mộc mạc, đôn hậu cứ thế hiện ra qua ngòi bút. Có phải thế chăng mà khi đọc những bài thơ viết về làng quê, người đọc như được hòa mình vào cùng với dòng cảm xúc của tác giả, được gặp lại chính mình trong những câu thơ chứa chan tình yêu nơi đồng bãi:

Tiếng con thạch sùng tặc lưỡi

Đèn vơi mẹ đổ thêm dầu...

Mẹ giờ bước chân đã mỏi

Nằm thương gốc rạ phơi đồng

Khói rơm chiều nay ai đốt

Thơm về ký ức mẹ ta.

                       (Khói chiều ký ức mẹ ta)

Còn với tác giả Đỗ Toàn Diện (Đắk Lắk), anh dành khá nhiều tình cảm chân thành cho đề tài nông thôn và cả tình yêu cho Tuyên Quang, với chùm thơ 7 bài. Đọc thơ anh, người ta nhận ra một ngòi bút dày dặn, chững chạc, giàu cảm xúc. Khi viết về làng quê nông thôn, dường như tác giả Đỗ Toàn Diện đều dùng thể thơ lục bát. Có lẽ đây vừa là dụng ý, vừa là thế mạnh của tác giả. Thơ lục bát gần gũi với ca dao, gần gũi với làng quê Việt Nam và dễ chuyển tải những cảm xúc mặn mòi mà đằm thắm nhất. Trong thơ của anh, ta bắt gặp hình ảnh dòng sông, bến nước, con đò và cánh cò chấp chới bay trên những mùa màng. Hạt lúa, củ khoai đã nuôi những con người lớn lên như nhánh mạ non uống cạn giọt sữa đồng, để rồi trở thành cây lúa vàng bông, hiến dâng cho đời:

Từ trong hạt thóc nhú ra

Những mầm sống nhọn như là mũi kim

Ngỡ ngàng ngước mắt nhìn lên

Nhỏ nhoi thân phận mà nên mùa màng.

                                         (Hạt thóc)

Khi viết về cây đa Tân Trào, tác giả Đỗ Toàn Diện cũng có được những câu thơ hay, giàu cảm xúc:

Thời gian sẽ vực dậy những mầm non

Cổ tích lại xanh

Chim lại về ríu ran xây tổ

Đa lại đồng hành nối dài lịch sử

Sừng sững vươn cành tiếng hót long lanh

                         (Đa Tân Trào lại hồi sinh)

Có lẽ, bất cứ người nào ở miền gần hay miền xa, đã từng đến và sống ở đây thì đều có chung một sự gắn bó và mến yêu xứ sở này. Rồi nếu rời xa mảnh đất ấy, non nước, con người, cuộc sống quê Tuyên sẽ trở thành kỷ niệm đẹp đẽ không thể nào quên. Trên cái chất liệu hiện thực ấy, tác giả Phạm Thạch Hoàng (Hà Nội) lại trải lòng mình về với Xứ Tuyên yêu dấu, qua chùm thơ dự thi gồm 3 bài. Chúng ta dường như có thể nghe được nhịp đập của con tim người viết, và từ đó lan tỏa những trạng thái tâm hồn từ những câu thơ đầy xúc cảm:

Mây vẫn sà trên sông Lô chiều mộng

Người ra đi lại tha thiết trở về

Ta lên Tuyên lòng neo nỗi nhớ

Mảnh đất vùng trời như tiếng gọi say mê.

                                    (Thành Tuyên)

Trong ký ức đa cảm, mỗi con người đều có một miền quê để sống và gắn bó. Trong văn hóa người Việt thì quê hương bao giờ cũng gắn liền với làng, với bản sắc văn hóa dân tộc. Đó là sự gắn kết không tách rời, dẫu cuộc sống có quá nhiều thay đổi. Với tác giả Trần Văn Mười (Nghệ An) cũng vậy. Tuy tác giả không phải là người sinh ra, lớn lên ở Tuyên Quang, nhưng mảnh đất thấm đẫm các giá trị văn hóa ấy lại để lại trong lòng người thơ một nét chấm phá sâu đậm. Nơi đó chính là máu thịt của những con người đang sinh sống và gắn bó. Dù con người lớn lên, đi qua những miền quê mới, thì mạch nguồn bóng quê ấy vẫn vẹn nguyên như thuở nào:

Bao sắc tộc chung tay dựng lên một Tuyên Quang

Sức trẻ vươn vai mơ ngày thành Phù Đổng

Phiên chợ ngày Xuân rực sắc màu thổ cẩm

Ta đi tìm em trong chếnh choáng bát rượu ngô.

                                                      (Xứ Tuyên)

Còn rất nhiều tác giả khác, đủ các lứa tuổi trên mọi miền của Tổ quốc đã góp mặt trong Cuộc thi “Thơ Tuyên Quang năm 2021” do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh phát động. Có lẽ, hành trình đến với thơ là một hành trình đầy nhọc nhằn, vất vả, song cũng nhiều niềm đam mê, được chắt ra từ một tình yêu luôn cháy bỏng với quê hương, với cuộc đời. Trên cái hành trình ấy không phải ai cũng có thể đủ dũng cảm để đi đến tận cùng cái đích của mình dành cho thơ. Dẫu vậy, chính sự khát khao cống hiến cho nghệ thuật của các tác giả đã mang đến cho cuộc thi một hơi thở mới, một sức sống mới… Hàng trăm bài thơ từ Cuộc thi “Thơ Tuyên Quang năm 2021” đã nói lên điều đó. Cuộc thi đã đi hết chặng đường và những người trong Ban Tổ chức cuộc thi ở Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tuyên Quang đều có quyền tự tin để nói rằng, cuộc thi này bước đầu đã thành công. Thành công ở đây không chỉ về số lượng tác phẩm, số lượng tác giả tham gia mà còn ở cả chất lượng các bài dự thi.

T.B.H

 

Lượt xem:756 Bản in









Các tin đã đăng:
   Nông thôn trong Tiểu Thuyết Trịnh Thanh Phong - Đăng ngày:  22/07/2022
   Đỗ Anh Mỹ và tiểu thuyết Rễ Rừng - Đăng ngày:  19/07/2022
   Tạ Bá Hương - Đau đáu từ Đôi mắt đợi - Đăng ngày:  10/02/2022
   Đọc “Rừng có tiếng người” nhớ cố nhà văn Đinh Công Diệp - Đăng ngày:  25/11/2021
   Nghệ thuật diễn xướng Soọng cô của người Sán Dìu - Đăng ngày:  29/10/2021
   Cuốn sách đồ sộ về triều đại nhà Đinh - Đăng ngày:  11/10/2021
   Nghệ sỹ sáng tạo nghệ thuật - Đăng ngày:  30/07/2021
   PHỎNG VẤN ĐẦU NĂM. THỰC HIỆN: VĂN TÂN - Đăng ngày:  05/02/2018
   ĐINH HUYỀN TRANG - Đăng ngày:  21/12/2017
   TRẦN LỆ THANH - Đăng ngày:  21/12/2017

Tổng số: 14 | Trang: 1 trên tổng số 2 trang  


Xem tin theo ngày:     Tháng:    Năm:     
HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT TỈNH TUYÊN QUANG
Giấy phép xuất bản số: 09/GPTTĐT-STTTT ngày 02/02/2021 của Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Tuyên Quang
Chịu trách nhiệm: Đinh Công Thủy - Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Tuyên Quang - Điện thoại: 02073 823 508
Trụ sở: Số 215, đường Tân Trào, phường Phan Thiết, thành phố Tuyên Quang. Điện thoại: 02073 822 392 - Email: baotantraotq@gmail.com
@ Bản quyền thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tuyên Quang

   Design by 

Online:
48

Lượt truy cập:
14.938