
Minh họa của Lê Cù Thuần
Ông ngoại tôi sinh ra được mẹ tôi, dì và bốn cậu. Mẹ tôi là cả. Gia đình đông các em, mẹ tôi là người lao động chính, phụ giúp bố mẹ nên bà không được học hành đến nơi đến chốn. Năm 20 tuổi thì mẹ tôi đi lấy chồng làng bên. Bố tôi đi công tác thoát ly xa, làm Bưu điện tận Hà Giang, một năm mới về nhà năm ba bận. Thời ấy không có sinh đẻ kế hoạch như bây giờ, mẹ tôi cứ đẻ sòn sòn năm một, được 6 anh chị em chúng tôi. Đó là những năm gian khổ nhất, khi mà đất nước đang đi những bước đi đầu tiên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Sáu anh chị em chúng tôi lớn lên từ luống cày, từ những con cua con ốc nhặt từ đồng về. Thời buổi hợp tác xã (HTX) đánh trống ghi tên, thu nhập bằng công điểm chúng tôi còn bé không giúp mẹ đi cấy cày lấy điểm HTX được. Chúng tôi chỉ còn biết sau mỗi buổi đi học về lại bỏ ra một buổi chiều đi ra đồng mò cua, bắt ốc. Đó là nguồn thực phẩm chính của mọi gia đình ở làng quê. Thời ấy cá, tôm, ốc, ếch ở ngoài đồng nhiều vô kể. Cứ ở đâu có nước là ở đó có cá, tôm. Chúng tôi đắp những cái chuôm ở góc ruộng để bắt cá. Nhà nào cũng có dăm ba cái. Vào tiết tháng Tư tháng Năm đổ đi, khi mà những cơn mưa rào dâng nước trắng đồng là thời điểm có rất nhiều cá. Trong cái nắng chói chang của mùa hè, nước ruộng bỏng như đun trên chảo, các loại cá tôm không chịu nổi nóng chui vào trong chuôm để trú nắng (xung quanh chuôm thường có cây xanh làm bóng râm). Người ta chỉ việc lấy nắn(*) chặn vào cửa chuôm rồi khua nước đuổi cá. Chỉ vài động tác xua đuổi, khi nhấc nắn lên đã có lưng nắn gồm đủ các loại cá: Trê, chuối, thài mại, lươn, chạch... và thậm chí có cả rắn nữa. Cứ mỗi buổi trưa anh chị em chúng tôi đầu đội nón lá đi chân đất lội khắp đồng trong, đồng ngoài. Và cứ mỗi lần như thế chúng tôi lại đem về hàng giỏ cá cho mẹ. Vì chúng tôi giỏi bắt cua, bắt ốc mà mẹ gọi chúng tôi là lũ con cua ốc.
Mẹ tôi rất giỏi chế biến cá đồng thành những món ăn truyền thống của dân tộc. Những con cá chép tươi roi rói mẹ tôi chọn riêng ra để làm món mắm cá. Cá được mổ sạch, ủ với cơm rượu (gạo nếp nấu chín xong ủ men vài ngày thành cơm rượu). Trên trốc mẹ tôi lại rắc một thứ lá chà mặt rất thơm lên phủ kín, sau đó buộc thật kín miệng hũ để trong góc tối của nhà. Một tháng sau mở hũ cá ra bốc lên một mùi thơm đặc biệt. Nước của nó vàng sánh như nước hàng bây giờ. Con cá còn nguyên vẹn cả con nhưng xương của nó đã mềm nhũn, mắm cá đem đun lên cả làng ngửi thấy mùi thơm. Cơm nếp ăn với mắm cá, ăn no mà không biết chán.
Mẹ tôi một mình tranh công, tranh điểm của HTX để nuôi sống chúng tôi. Một mình mẹ thay chồng nuôi con lo toan tất cả việc nhà. Bố tôi thi thoảng mới được về và cứ ba tháng một lần, ông về mang theo tiêu chuẩn tem phiếu thực phẩm lên huyện mua. Cứ mỗi lần như thế anh chị em chúng tôi mới lại được ăn thịt lợn, cảm thấy như được ăn cỗ. Nồi cơm của nhà tôi nhìn vào có tới hai phần ba là khoai, sắn. Mỗi củ khoai chỉ có vài hạt cơm bám vào. Vào những tháng giáp hạt có ngày còn ăn sắn thay cơm.
Lại nói về dì tôi, bà sinh ra đã là đứa trẻ kháu khỉnh và khi lớn lên xinh đẹp như một bông hoa rừng. Bà được ăn học đàng hoàng. Nhiều chàng trai trong làng nhòm ngó nhưng không được bà đưa vào mắt. Không biết vì duyên số hay do cách mạng bố trí mà bà yêu rồi lấy một cán bộ hoạt động cách mạng từ lúc bóng tối, hơn bà đến chục tuổi. Sau này ông về thành phố, làm lãnh đạo, mang cả nhà đi theo. Dì tôi cũng sinh được sáu người con. Nhưng chúng sinh ra trong nhung lụa, cuộc sống đủ đầy. Chúng lớn lên để được chăm sóc và chỉ chuyên tâm vào việc học hành. Dì thương mẹ tôi lắm. Thi thoảng ông có việc xuống huyện đánh xe xuống, dì lại bám theo về thăm mẹ tôi. Tôi còn nhớ lúc còn bé, có một lần dì, dượng xuống nhà tôi chơi, đường làng khó là thế mà chiếc xe Rumani đít vuông chở hai vợ chồng dì vẫn cố len lỏi đi đến nhà. Đó là lần đầu tiên làng tôi có một chiếc xe con đi vào. Dân làng xì xào ngắm nhìn còn lũ trẻ thì nô nức đuổi theo đuôi xe. Xe dừng lại bọn chúng xúm đen xúm đỏ như thể có một vật lạ từ hành tinh khác đến. Vợ chồng dì bệ vệ, sang trọng. Nhà nghèo đón khách sang, gia đình tôi phải chật vật lắm mới có được bữa cơm tươm tất. Gọi là tươm tất nhưng cũng chỉ có con gà thiến chế biến các món cùng với đĩa mắm cá do chính tay mẹ tôi làm. Bố mẹ tôi cứ lo không đáp ứng được lòng khách. Không ngờ vào bữa ăn chồng dì cứ luôn mồm khen các món ăn ngon và khen bữa cơm ngon miệng. Ông còn bảo: “Đi làm cách mạng, ở với dân, ăn với dân những món ăn dân tộc quen miệng. Lâu lắm bây giờ mới lại được ăn, ngon quá!”. Và quả thực nhìn cái cung cách ăn rất nhiệt tình của ông, biết rằng ông không nói lấy lòng.
Bữa cơm hôm đó được chia làm hai mâm, một dành cho khách ở trên nhà, một dành cho chúng tôi ở dưới bếp. Tất cả những miếng thịt gà ngon đều dành cho khách còn chúng tôi chỉ được chia chỗ đầu thừa đuôi thẹo. Sau bữa ăn trước khi ra về, dì tôi chỉ vào tôi mà bảo: “Cháu này nó học giỏi, bá đưa nó lên chỗ em cho nó đi học ở trên ấy. Em nuôi hộ bác bá một đứa”. Tưởng chỉ nói thế thôi, ai ngờ sau đấy mẹ tôi đưa tôi đi thật.
Cái việc mẹ tôi thông báo đưa tôi lên thành phố ở với dì để đi học làm tôi háo hức, hồi hộp chờ đợi suốt một đêm. Không háo hức sao được khi chỉ được đi chơi lên thành phố thôi cũng đã là điều mơ ước rồi. Đằng này lại còn được sống ở thành phố, được đi học nữa thì điều đó tôi chưa hề nghĩ tới. Trong đầu tôi lúc đó hai chữ thành phố hiện lên như là một thiên đường. Nửa đêm hai mẹ con đã phải lục tục đi bộ ra bến xe để xếp hàng mua vé. Xếp hàng từ hai giờ sáng đến sáu giờ người bán vé mới lững thững ra quầy vé. Hàng người dài dằng dặc đang uể oải đứng chờ bỗng nhiên rùng rùng chuyển động. Chẳng ai bảo ai, mọi người bám chặt vào nhau, dồn nén nhau tiến về phía trước. Mẹ tôi đứng ở phía sau tôi, bà vừa chống đỡ ở phía sau, vừa cố đẩy người phía trước để tạo cho tôi một khoảng trống. Cuộc vật lộn kéo dài chừng 15 phút đồng hồ thì hết vé. May thay mẹ con tôi đi sớm, đứng gần ở vị trí đầu nên cũng mua được vé, có điều vé không có số.
Mua vé đã khổ, lên được xe lại càng vất vả hơn bởi xe chở khách là chiếc xe tải Zin được cải tạo thùng chở hàng thành thùng chở người. Nó vừa cao, vừa chật. Người nọ chen lấn người kia, tranh nhau leo lên cái que sắt làm thang được hàn tạm bợ. Hàng trăm con người dồn nén trong cái thùng xe tải chẳng khác gì một đàn cừu. Trên đường
đi có người không chịu nổi, nôn hết ra sàn xe,
nôn cả lên vai nhau. Tiếng chửi bới tục tần xen lẫn những tiếng chuyện trò, tiếng than vãn tạo nên một âm thanh hỗn tạp. Đường rải cấp phối lâu ngày bị hỏng, đá to đá nhỏ nổi lên cùng với những ổ trâu, ổ voi làm cho chiếc xe cứ nhảy chồm chồm và lắc lư nghiêng ngả. Cũng như lúc mua vé, mẹ tôi vẫn cố giữ cho tôi có một khoảng trống để tôi không bị chết ngạt.
Cuối cùng thì mẹ con tôi cũng đến được thành phố và lần mò về nhà dì theo như dì đã hướng dẫn. Mẹ con tôi đến một ngôi nhà xây to, cao ở trên một ngọn đồi thấp trong thành phố. Ngôi nhà được bao bọc bằng bức rào sắt, có một cổng vào. Cổng khóa ở phía trong. Nhìn qua cánh cổng sắt, có một con đường sâu hun hút vào trong sân. Biết chắc đó là nhà dì, mẹ tôi ghé vào cổng gọi. Nghe có tiếng người lạ, hai con chó to như hai con nghé con lao ra sủa ồng ộc. Rất may mẹ con tôi cách nó một cánh cổng sắt nếu không chẳng biết sự việc sẽ đi đến đâu. Một phụ nữ đứng tuổi ở trong nhà chạy ra, thấy hai mẹ con tôi ngấp nghé ngoài cổng, bà ta hỏi trống không:
- Bà tìm ai?
Mẹ tôi trả lời:
- Hỏi cô, bà Tình có nhà không?
- Bà là ai? Người phụ nữ lại hỏi trống không.
- Tôi là chị gái của bà ấy.
Nghe mẹ tôi xưng là chị gái của chủ nhà, bà ta tỏ vẻ ngạc nhiên nhìn mẹ tôi từ đầu xuống chân có ý nghi ngờ. Mẹ tôi mặc cái quần phíp đen, cái áo bà ba màu cánh chả, chân đi đôi dép nhựa cũ có mấy dấu hàn quai. Chắc vì thế mà người phụ nữ nghi ngờ điều mẹ tôi vừa nói. Rất may vừa lúc dì tôi nghe có tiếng người ở ngoài cổng, bà đi ra và nhận ra mẹ con tôi. Bà quát hai con chó vào nhà và tự tay mở khóa cổng. Bà chỉ vào người phụ nữ đang đứng ngây người và giới thiệu:
- Đây là cô giúp việc cho em.
Rồi bà nói với người phụ nữ:
- Còn đây là chị gái tôi, cô đưa bác đi ra bể nước rửa tay chân tay cho mát.
Người giúp việc “vâng ạ” một cách ngoan ngoãn và làm theo lời dặn của bà. Lần đầu tiên trong đời tôi được bước vào một căn nhà sang trọng như thế. Trước tiên là phòng khách rộng thênh thang. Trong phòng kê bộ bàn ghế sang trọng. Phía trong là bàn thờ Tổ quốc, phía trên có treo cờ và ảnh Bác Hồ. Hai bên phòng khách là các buồng rích rắc, mỗi buồng một ô cửa riêng dành cho mỗi người. Nền nhà lát gạch hoa bóng loáng. Tôi e dè khi thấy bàn chân lọ lem của mình dẫm lên những viên gạch sạch bong.
Khoảng gần trưa thì các con của dì tôi bắt đầu đi học về. Chúng vào nhà, nhìn thấy khách mặt tỉnh bơ như không nhìn thấy ai. Dì tôi phải nhắc:
- Đây là bác Gốc từ quê lên, các con chào bác, chào anh đi.
Nghe mẹ nhắc chúng miễn cưỡng làm theo chào: “Cháu chào bác, em chào anh”. Nói rồi chúng biến mất vào trong những căn buồng riêng kín mít.
Đã đến giờ cơm trưa. Bà giúp việc bê lên một mâm cơm. Không biết để đãi bà chị hay các bữa ăn thường của bà vẫn thế mà tôi thấy mâm cơm thật thịnh soạn. Toàn những thứ mà cả đời tôi chưa được thấy bao giờ. Vào bữa lũ con của dì tôi mời chào lấy lệ rồi cắm cúi ăn chẳng trò chuyện câu gì. Chúng ăn ào một tí rồi nhanh chóng biến mất như lúc đi học về. Mỗi đứa đứng dậy dì tôi đều nhắc: “Vào ngủ đi, chiều còn học”. Còn lại dì, mẹ tôi, bà giúp việc và tôi. Trong bữa ăn mẹ tôi luôn gắp thức ăn cho tôi, nhất là những món lạ. Trong bụng bà chắc là rất thương cho đứa con của mình cả đời chẳng được ăn những miếng ngon. Được bữa ăn thoải mái, lại ngon, tôi cứ chén tì tì không biết chán. Những ngày ở nhà dì đều là những bữa ăn tuyệt vời như thế.
Nhưng rồi đến ngày thứ ba thì tôi thấy chán. Tôi bắt đầu thấy nhớ nhà, nhớ các anh chị, các em. Trong bữa ăn ngon tôi lại nhớ đến các em ở nhà giờ đang ăn cơm độn sắn với muối vừng. Buổi chiều về giữa phố phường đông đúc mà chẳng có bạn để chơi, tôi lại nhớ đến những buổi đi chăn trâu, chơi trận giả mệt lử xong ngồi lên lưng trâu quất cho nó lồng đến sông nhảy tùm xuống ngụp lặn. Tôi nhớ đến những lúc đánh ô, đánh đáo và chạy nhảy vô tư trên khắp đường làng. Tối đến khi mỗi người chui vào căn buồng của mình kín mít để ngủ, tôi lại thèm được một đêm ngủ ở nhà, mấy anh chị em trùm chung một chiếc chăn vừa kể chuyện ma, vừa đùa nhau rúc rích.
Chính vì thế mà khi mẹ tôi chuẩn bị về, để tôi ở lại nhà dì thì tôi quyết không chịu và nằng nặc đòi về. Cả mẹ, cả dì ra sức dỗ dành, thuyết phục nhưng tôi cũng không nghe. Bực quá dì tôi bảo:
- Đúng là đám con cua ốc, chẳng dám đi đâu cả. Muốn cho sướng mà chẳng biết đường sướng. Thôi thế thì cho nó về. Về mà mò cua bắt ốc.
Và tôi về không một chút tiếc nuối, cho dù ở nhà là một cuộc sống đói nghèo. Về nhà tôi lại cùng các anh chị bắt cua, bắt ốc, lớn lên đi vào rừng lấy củi, hái măng giúp mẹ. Chúng tôi lớn lên bao nhiêu thì mẹ tôi bớt đi vất vả bấy nhiêu. Dù cuộc sống gian khổ, thiếu thốn nhưng mẹ tôi vẫn nuôi chúng tôi ăn học đến hết cấp ba. Ra trường mỗi người làm một công việc, người đi bộ đội, người làm nhà giáo, người làm công nhân và cả người bám chân vào nghề nông. Tất cả sáu anh em chúng tôi chẳng có ai ra thị xã, lên thành phố để ở hay công tác. Tất cả đều quần tụ quanh làng, quanh người mẹ thân yêu của mình.
Đột nhiên mẹ tôi ngã bệnh. Cái bệnh người già thường mắc phải: Tai biến mạch máu não. Bà nằm liệt giường ba tháng trời. Trong ba tháng ấy anh em chúng tôi không có ngày nào không có người túc trực bên mẹ suốt đêm, suốt ngày. Nhà mẹ lúc nào cũng đầy ắp người làng, đầy ắp con cháu. Dì tôi từ thành phố về thăm thấy thế nói với chúng tôi rằng: “Mẹ các cháu hạnh phúc có các con các cháu bên cạnh. Cứ như dì mà thế này chắc là chết héo một mình thôi”.
Dì nói thế bởi vì bây giờ con cái của dì đã phương trưởng hết và tản đi mỗi đứa một phương. Chúng vừa công tác, vừa mải miết làm giàu. Người ở thành phố cái giàu là vô cùng tận. Đã có một lại muốn có hai. Đã có hai rồi lại muốn có bốn. Thành thử lũ con nhà dì cứ mải mê làm giàu mà đôi khi bỏ rơi người mẹ, cho dù bọn chúng rất yêu mẹ. Dượng tôi mất sau ngày mất của bố tôi một năm. Dì tôi một mình ở cái căn nhà thênh thang đó cùng với người giúp việc do các con của bà bỏ tiền ra thuê chăm nom mẹ. Tiền chúng nó gửi về cho bà thì lắm, nhưng dăm bữa nửa tháng chúng mới về thăm mẹ một lần.
Cái điều lo xa dì nói với chúng tôi, không ngờ lại đến với dì thật. Khi mẹ tôi dần khỏi bệnh rồi trở lại cuộc sống bình thường thì đến lượt dì tôi lâm bệnh nặng. Một bữa mẹ tôi bảo tôi lấy xe máy đèo bà lên thành phố thăm dì. Ngôi nhà uy nghi của dì cổng không khóa như ngày xưa nữa. Tôi phóng xe máy lên tận sân nhà. Ngôi nhà có vẻ hoang tàng hơn xưa. Cây trái quanh nhà mọc um tùm không có người cắt tỉa. Quả chín rụng đầy gốc mà chẳng có ai nhặt.
Dì nằm ở trên giường, bên cạnh có một người phụ nữ chững tuổi đang nắn chân tay cho bà. Ngày trước dì đẫy đà là thế mà bây giờ gầy xọp đi. Căn bệnh ung thư đang bòn rút sức lực của bà. Đầu giường bà nằm có một tủ thuốc tây cơ man nào là thuốc, toàn thuốc ngoại. Hoa quả đường sữa chất đầy bàn. Người phụ nữ khẽ ra hiệu im lặng và nói nhỏ:
- Đêm qua bà đau suốt đêm. Bà vừa chợp mắt một tí, bác và anh ra ngoài chờ. Mẹ tôi không ra, bà ngồi ngay xuống cạnh em, nắm lấy bàn tay nhỏ nhắn của người em, nước mắt ngân ngấn. Dì tôi tỉnh giấc và nhận ra chị gái của mình. Hai người nắm chặt lấy bàn tay của nhau. Dì rất tỉnh táo và nói chuyện hoàn toàn minh mẫn. Mẹ tôi hỏi:
- Các cháu đâu hết mà ốm đau nằm một mình thế này?
Dì bảo:
- Chúng nó còn bận làm ăn. Công việc không thể bỏ được. Nó thuê cho em hai người để chăm sóc, một người cơm nước, còn bà này nâng đỡ cho em. Những lúc này mới thấy buồn chị ạ, có con mà cũng như không có. Chẳng như dưới chị, con cháu đến đầy nhà.
- Thì có thế chúng nó mới giàu có.
- Giàu có rồi cũng đến thế thôi chị ạ, lúc chết chẳng ai đem tiền của theo được. Cái quan trọng là lúc mẹ con cần nhìn thấy nhau thì không thấy.
Tôi chiều mẹ, điện về xin phép nhà trường cho nghỉ thêm ba ngày để chị em bà trò chuyện với nhau bởi tôi biết đây là lần cuối cùng bên nhau của hai con người sinh ra cùng một mẹ. Những ngày này dì tôi cứ kéo ríu lấy chị, không muốn xa một bước. Lúc nào dì cũng muốn có mẹ tôi ngồi bên để chuyện trò, tâm sự. Những câu chuyện thường là lui về quá khứ, những dĩ vãng xa xăm, những kỷ niệm êm đềm và cả về những người đã quá cố.
Hôm mẹ tôi phải về, biết là không giữ được chị, dì ngậm ngùi khóc. Dì gọi tôi lại gần và dặn:
- Ngày xưa dì vẫn gọi chúng mày là lũ cua ốc. Các cháu đừng giận dì. Giờ dì lại thèm có những đứa con cua ốc để được gần gũi với chúng nó. Các cháu hãy chăm sóc mẹ, gần gũi mẹ. Con người lúc về già thèm một tổ ấm gia đình lắm.
Nói với tôi xong, dì lấy từ trong bọc ra một tập tiền tám trăm hay một triệu gì đó - một số tiền cả đời mẹ tôi không được cầm bao giờ rồi đưa cho mẹ tôi và bảo:
- Chị cầm lấy về mà tiêu, tháng hưu cuối cùng của em đấy. Giờ em chẳng biết tiêu tiền vào việc gì nữa. Tiền với em bây giờ cũng chỉ là mớ giấy lộn thôi chị ạ. Em chỉ cần có người thân bên cạnh. Lúc nào chị lại sang với em.
Sau cuộc đó một tháng thì dì tôi mất. Đám ma của bà to lắm. To nhất thành phố. Xe chở hoa viếng dài hàng cây số, hàng trăm xe to, xe nhỏ đi tiễn đưa. Lũ con cháu của bà về đông đủ cả, toàn đi bằng những chiếc xe sang trọng. Có một điều khác với chỗ tôi là không thấy các con các cháu khóc vật khóc vã mà chỉ có người khóc thuê giọng rất ngọt với tiếng kèn đồng ai oán.
T.Đ.K
(*) Một dụng cụ bắt cá, có nơi gọi là cái đó.