
Nghệ nhân Sầm Dừn truyền nghề cho thế hệ trẻ.
Nghệ nhân Nhân dân Sầm Dừn là người con của đồng bào Cao Lan (dân tộc Sán Chay) ở xã Đại Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Năm nay ngoài 70 tuổi, nhưng ông đã có mấy chục năm dành trọn tình yêu của mình với di sản văn hóa của dân tộc. Chính ông cũng là người trực tiếp đưa văn hóa Cao Lan phát triển trong đời sống xã hội. Tâm huyết của ông được ghi dấu bằng việc cất giữ những quyển sách quý hàng trăm năm tuổi. Hiện tại, người nghệ nhân này đang lưu giữ gần 30 bộ sách cổ viết về văn hóa Cao Lan, làn điệu Sình ca. Những bộ sách cổ được lưu giữ qua hàng trăm năm, trở thành cánh cửa để Nghệ nhân Nhân dân Sầm Dừn mở ra với cả một không gian văn hóa tộc người.
Tôi đã nhiều lần gặp gỡ Nghệ nhân Nhân dân Sầm Dừn trong những chuyến đi điền dã, sưu tầm văn hóa phi vật thể. Ngồi trò chuyện với ông, được xem ông chơi trống sành, hát Sình ca mới thấy tình yêu mà ông dành cho nó thật sâu sắc. Những câu hát mang hương rừng, hương núi lại có dịp được cất lên. Đó là những câu hát ra đời gắn liền với truyền thuyết dân gian về nàng Lưu Ba. Lời hát và giai điệu của Sình ca thể hiện sức sống mãnh liệt, bởi những bài hát của nàng Lưu Ba được truyền tụng trong nhân gian, được ghi chép lại thành 12 tập, ứng với 12 đêm hát. Những câu hát đó được ghi lại, chép lại trong bộ sách cổ và bây giờ được Nghệ nhân Nhân dân Sầm Dừn cùng những người có trách nhiệm trong cộng đồng truyền dạy lại cho thế hệ trẻ.
Bén cái duyên Sình ca từ người cha, anh Sầm Văn Đại, người con trai thứ của nghệ nhân Nhân dân Sầm Dừn cũng đã có được sự tiếp nối. Anh bảo, ngay từ nhỏ anh đã được cha mình dạy hát Sình ca, dạy ý nghĩa và cách thức thể hiện các điệu múa cổ từ chiếc trống sành. Đây là dụng cụ khá độc đáo mà đồng bào Cao Lan vẫn thường sử dụng trong các nghi lễ tín ngưỡng và sinh hoạt văn hóa. Với anh Đại, chiếc trống sành không chỉ là linh hồn của dân tộc mà còn là cả sự tâm huyết suốt mấy chục năm qua mà người cha anh đã gìn giữ. Qua trống Sành, anh càng thêm tự hào về tổ tiên dân tộc mình, nguồn cội của mình. Điều đó đặt ra cho thế hệ trẻ như anh cần phải tiếp nối mạch nguồn văn hóa để mạch nguồn ấy cứ như dòng suối tưới mát cho thế hệ người Cao Lan. Nhờ sự truyền dạy kỹ càng của Nghệ nhân Nhân dân Sầm Dừn, giờ đây Sầm Văn Đại đã có thể tự mình mang tiếng trống sành đi tham gia những cuộc liên hoan văn hóa văn nghệ ở trong và ngoài tỉnh, đạt nhiều giải thưởng thông qua các kỳ hội diễn khu vực và toàn quốc.
Tiếng trống sành theo bước chân người mà tỏa về các vùng đất, mang khát vọng và mang nhịp điệu núi rừng ngân lên cái giai điệu thiết tha với cuộc sống. Điều này Nghệ nhân Nhân dân Sầm Dừn hiểu hơn ai hết. Bởi, ông sinh ra trong không gian văn hóa, lớn lên trong cái nôi di sản. Đó là cả một quãng thời gian mà ông may mắn trải qua. Nhờ thấm đẫm miền di sản của dân tộc, kết hợp với sự tâm huyết của mình, nên cả một kho tàng văn hóa đồ sộ của đồng bào Cao Lan đã kết nối trái tim giữa những người với nhau. Chính lòng tâm huyết và dựa trên những cuốn sách cổ của tổ tiên để lại, đồng thời nhờ sự giúp đỡ của các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, người nghệ nhân già này đã dần khôi phục được nhiều điệu múa, câu hát bị thất truyền, như: Múa cầu lành, múa khai lộ, múa khai đèn… Từ sự cống hiến nhiệt huyết của ông mà các tiết mục múa cổ này, cùng với làn điệu Sình ca đã được phục dựng đầy đủ theo nguyên bản gốc như nó vốn có từ xa xưa.
Hôm chúng tôi xuống thăm ông, thấy Nghệ nhân Nhân dân Sầm Dừn đang ngồi xếp bằng trên cái chiếu được trải ra giữa khoảng sân trước nhà. Xung quanh ông là đám trẻ con trong làng, đôi mắt nhìn hút sâu vào đôi tay của người nghệ nhân đang uyển chuyển gõ nhịp bên hai mặt trống. Tiếng "pắc, pắc, bùng… pắc bùng, pắc bùng" ngân lên cái thứ giai điệu vừa huyền bí, vừa gần gũi và thân thương. Sự say sưa của ông như mạch nguồn chảy sang đám trẻ. Có thể, trong số đám trẻ đang ngồi xếp tròn quanh ông chưa chắc đã hiểu được tiết tấu, giai điệu của một loại nhạc cụ cổ xưa của đồng bào Cao Lan, nhưng tôi tin chắc chắn rằng, giá trị cội nguồn sẽ không thể nào mất đi, dẫu cuộc sống có nhiều thay đổi. Đám trẻ sẽ là lớp kế tiếp người nghệ nhân già này, cũng giống như con trai thứ của ông là Sầm Văn Đại để lưu giữ linh hồn cho dân tộc mình.
Với những đóng góp cho Sình ca, cho việc phục dựng các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Cao Lan, Nghệ nhân Sầm Văn Dừn đã vinh dự được nhận nhiều kỷ niệm chương của bộ, ban, ngành; Bằng khen của tỉnh, của Trung ương. Năm 2010, ông đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Năm 2017, Nghệ nhân Sầm Văn Dừn về Thủ đô nhận Bằng khen của Thủ tướng vì đã có thành tích tiêu biểu, xuất sắc, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2019, Nghệ nhân Sầm Dừn đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng Danh hiệu nghệ nhân Nhân dân. Đây không chỉ là niềm tự hào của ông, của đồng bào Cao Lan mà còn khẳng định của Đảng, Nhà nước đối với những đóng góp của ông trong việc giữ gìn các giá trị văn hóa.
Mấy năm nay, ông đau yếu nhiều nên cũng ít có dịp đi xa. Việc đưa tiếng trống sành hay làn điệu Sình ca, điệu múa cổ đến với công chúng chủ yếu đều do các con cháu và bà con trong làng bản thực hiện. Tuy nhiên, tuổi tác đã không làm giảm đi bầu nhiệt huyết ở người nghệ nhân này. Ông vẫn lặng lẽ truyền dạy cho bọn trẻ giá trị nguồn cội của dân tộc tại nhà. Do đó, dòng chảy di sản của đồng bào Cao Lan vẫn tiếp tục được bồi đắp nhờ công sức của những người có trách nhiệm không chỉ của ông mà còn của mỗi người con trong cộng đồng này.
H.H