Bay trong thế giới của riêng mình
Thứ 6, 29/10/2021 - 16:2
Nhiều lúc ngắm nhìn Vương Huyền Nhung tôi luôn tự hỏi không hiểu với sức vóc bé nhỏ, mảnh mai ấy chị lấy đâu ra thời gian mà học được, biết được nhiều lĩnh vực đến thế. Từ cầm, kỳ, thi, họa và cả làm đẹp rồi nay lại trở thành chuyên viên tư vấn một công ty tài chính…Phải chăng cái đa đoan, lận đận cuộc đời khiến chị muốn gửi gắm mọi xúc cảm cho công việc và nghệ thuật. Lúc nào gặp chị cũng thấy chị cười tươi, rạng rỡ với bạn bè. Vương Huyền Nhung mạnh mẽ đến độ không khi nào cần nhiều lời bày tỏ… Có chăng thì chỉ những câu thơ mới đủ sức “tố cáo” con người thật của chị, mạnh mẽ đấy mà cũng yếu đuối đến vô cùng, nữ tính đến vô cùng.

 

 

 Ngã rẽ cuộc đời

Bạn bè thường đánh giá về Vương Huyền Nhung là một người phụ nữ thông minh, cá tính, làm gì cũng đến nơi đến chốn chưa bao giờ chị bỏ cuộc giữa chừng. Với chị, trong nghệ thuật và công việc, từ thích đến đam mê, học hỏi và thực hiện một cách thuần thục là một khoảng cách không xa từ trong tâm tưởng đến ngoài đời thực. Thế nên người con gái nhỏ bé ấy luôn là một “ẩn số” thú vị khi không chỉ đồng hành nhịp nhàng với văn chương mà còn chung bước cùng nhiều môn nghệ thuật khác.

Vương Huyền Nhung sinh năm 1983, ở Thái Nguyên, chị tốt nghiệp Khoa Sư phạm Mỹ thuật, Cao đẳng Nghệ thuật Việt Bắc. Những ngày tháng xuân xanh, non dại chị bước theo chồng trong sự bỡ ngỡ, chập chững vào đời. Thế nhưng khi tất cả qua đi trong chị luôn tồn tại cảm xúc duy nhất về sự trân trọng người đàn ông đã từng gắn bó. Dường như, mọi biến cố, thăng trầm giúp chị trưởng thành, vững vàng, bản lĩnh hơn.

Trên đường đời dẫu có lúc yếu mềm của phận nữ nhi thế nhưng cô gái ấy lại luôn là người mạnh mẽ đúng lúc, đúng thời điểm. Câu chuyện chị bước vào làng văn khiến bao người suy ngẫm về sự quyết liệt, dám hy sinh trong việc theo đuổi một niềm đam mê của một cây viết trẻ.

Cách đây gần 10 năm, theo sự dẫn lối của đàn chị, Vương Huyền Nhung bước vào con đường văn chương. Những ngày ban đầu ấy khi còn chấp chới chưa định hình rõ việc viết lách và niềm đam mê, nhiệt huyết thôi thúc chị tìm tòi, học hỏi. Và cô chủ tiệm áo cưới đã phải “dứt ruột” thanh lý vài ba bộ váy cưới để có kinh phí xuống Hà Nội tham gia một khóa Bồi dưỡng viết văn do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Quyết định táo bạo và đầy bất ngờ khi dám bỏ đi “cần câu cơm” để đi học viết văn khiến bao người ngạc nhiên và trách khéo sự “lẩn thẩn”, vụng dại.

Thế nhưng Vương Huyền Nhung đã thực sự hài lòng với cái lựa chọn của mình. Sau hơn một tuần được tiếp xúc những lão làng văn chương Việt Nam, được đắm chìm trong bài giảng hay, hấp dẫn, chị nhận thấy đây là ngã rẽ bình yên của cuộc đời. Ở đó chị tìm thấy được chính mình, soi rọi được bản ngã, thỏa mãn khát khao bày tỏ cảm xúc trên từng trang giấy. Vừa nhẹ nhàng vừa táo bạo đúng như tính cách, chị đã bước vào làng văn xứ Tuyên trong sự đón chào, yêu quý của các bạn văn. Đó là động lực  và là điểm tựa để sau bao lần số phận quăng quật chị vẫn kiên cường với nụ cười kiêu hãnh, vẫn mạnh mẽ tràn đầy khát vọng trong từng trang viết.

Gặp gỡ Vương Huyền Nhung, nhiều người luôn ngạc nhiên với con người chị. Đó là một người đàn bà chân thành, hiểu chuyện phải chăng vì thế mà nhiều tác phẩm cũng thủ thỉ, nhẹ nhàng đầy mê hoặc. Không chỉ sáng tác văn chương, chị còn chinh phục khán giả bằng con đường âm nhạc. Chị hát hay và hát được cả những làn điệu Then Tày, chơi đàn Tính thành thục điêu luyện. Nhiều người ngạc nhiên sao người dân tộc Kinh mà hiểu và yêu văn hóa Tày đến thế. Chỉ sau vài giờ ngẫu hững, thăng hoa cảm xúc Vương Huyền Nhung có thể sáng tác được những lời ca Then Tày ý nghĩa để có thể biểu diễn ngay trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Tuyên Quang hay một chương trình liên hoan văn nghệ nào đó.

Là người có năng khiếu nghệ thuật nhưng chị luôn khiêm tốn, dè dặt khi một ai đó xuýt xoa khen ngợi mình. Chị từng tự sự rằng: “Mỗi thứ biết một ít để cho cuộc sống đầy sắc màu, tươi sáng hơn và đó là động lực để mình phải say mê, đắm đuối, cống hiến khi còn được sống. Dẫu cuộc đời còn lắm chông gai và trắc trở, ta tin và yêu điều gì đó chân thành, hết lòng thì bình yên, hạnh phúc sẽ đến... ”.

Xao động với “Ngày không tên”

Một thời gian dài, cái tên Vương Huyền Nhung, Nhung Nhung, Trần Nhung xuất hiện khá đều đặn trên các trang báo văn nghệ địa phương. Chị từng chia sẻ: “Những ngày đầu cầm bút, đặt bút viết, tôi viết vì cảm xúc chứ không viết vì mục đích được đăng bài, được xuất bản. Dần dần, nghề viết với tôi như một người “bạn thân” trung thành, dễ chia sẻ. Tôi viết vì có những điều tôi không thể nói được. Tôi viết để chính tôi hiểu được nội tâm của tôi. Tôi viết để không bị lãng quên những điều đã diễn ra trong thế giới tôi đang sống. Đôi khi đời sống của tôi lúc ấy cần một sự giải thoát, giải thoát bằng mọi cách và không gì ngoài viết lách. Càng về sau, tư duy tôi nhanh nhạy hơn, cảm xúc tôi dạt dào hơn và bản ngã trong tôi không thay đổi, luôn hình thành ý tưởng và thôi thúc tôi cầm bút”.

Trong văn chương, cây viết Vương Huyền Nhung khá linh hoạt và thành thục ở nhiều thể loại thơ, truyện ngắn, tản văn... Mỗi thể loại đều mang một dấu ấn riêng nhưng đậm nét nhất vẫn là những bài thơ viết theo khuynh hướng thơ trẻ. Qua một thời gian sáng tác, đến nay các tác phẩm được sắp xếp chỉn chu, đứng cạnh nhau trong một tập thơ có tựa đề “Ngày không tên”. Tác phẩm đoạt giải C do Hội  Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số trao tặng.

Tập thơ viết về tình yêu lứa đôi, về quê hương, cảm quan cuộc đời và cả những mến thương dành cho mảnh đất đã đi qua... Tình yêu trong thơ Huyền Nhung mang màu sắc lạ. Chị như bóc tách từng lớp cảm xúc của một người đang yêu và đã từng yêu. Khi viết về sự chia ly, câu chữ thật nhẹ nhàng, buông lơi: “Và rồi anh đã đi/Và rồi bàn tay lạnh ngắt/Và rồi mùa đông lại tới/Chút hanh hao chẳng hiếm muộn cuối trời/Ngày không tên/Cành xoan xòe những tán gân gầy guộc/Níu giữ mặt trời đang trôi về trái núi/Bất lực buông mình vào khoảng trống thinh không” (Ngày không tên).

Tác giả Phạm Thuyết từng nhận xét, có lúc tôi trộm so sánh giữa thơ và cuộc sống đâu mới là con người thực của tác giả trẻ này. Cách nói chuyện gần gũi, nhẹ nhàng pha chút dí dỏm. Nhưng với thơ cô dường như trở thành một con người hoàn toàn khác. Chững chạc, sâu lắng mà thấm đẫm tình đời, tình người. Thật khó hình dung một cô gái trẻ lại có cái nhìn đa chiều mà không phiến diện. Giữa những dãy nhà cao tầng và thấp tầng: “Véo von tiếng chim/Chúng cất lên từ đâu nhỉ/Tầng thượng khu chung cư/Hay một góc khuất nào đó/Dẫn dụ mê hoặc".

Trong bộn bề của thành phố, giữa những ồn ào và khói bụi. Cô vẫn bị hấp dẫn, mê hoặc bởi tiếng chim hót. "Chúng cất lên từ đâu nhỉ?" sự tò mò ấy được tác giả khám phá ra tại một căn hộ có chiếc cửa sổ. Và một sự bất ngờ hơn là tiếng chim trong trẻo cô tìm kiếm ấy lại được phát ra từ chiếc điện thoại chứ không phải như suy đoán ban đầu của cô. "Từ chiếc Smartphone tiếng chim vẫn cất lên trong trẻo" (Tiếng chim hót trong thành phố). Một lối dẫn ý rất mới mẻ táo bạo, tạo cho độc giả tò mò đến vỡ òa thì ra… Hay một Vương Huyền Nhung với triết lý nhân sinh.

Nữ thi sỹ từng nói, phụ nữ là những con người nhạy cảm theo một cách kỳ lạ. Họ tự tạo ra cho mình những cảm giác vu vơ không rõ nguyên do, mà buồn thường chiếm nhiều chỗ hơn vui. Cũng vì vậy, khi đối diện với nỗi đau trong tình cảm, phụ nữ vẫn thường cảm nhận được nó thật nhanh chóng. “Ngày không tên” nhuốm màu sắc ly biệt, Huyền Nhung thả nổi cảm xúc trong từng chữ. Liên từ “Và” ở đầu câu thơ chắp nối những nỗi niềm chông chênh của nhân vật trữ tình, tạo nên dòng chảy tâm trạng buồn, thương, tiếc nuối.

Nữ sỹ hướng sự chú ý của mình vào việc khai thác tâm trạng cá nhân. Chị sử dụng thành công cách ngắt dòng tạo khoảng trống cảm xúc. Những câu thơ tinh tế, nhạy bén: “Gió hồ quẩn lưng núi/Vỡ ra mùi hương bạch đàn rất vội/Vội tuổi hai mươi/Vội dại khờ/Ngày em về xứ người/Có kẻ chôn chân bên thung bạch đàn tiếc nuối/Câu hát “tìm lá diêu bông” nhức nhối/Vụng về lời từ biệt bỏ quên” (Mùa hoa bạch đàn).

Đọc thơ Huyền Nhung, độc giả cảm nhận tác giả đã cố gắng tạo ra điểm nhấn để thoát khỏi cái bóng dòng thơ truyền thống. Chị có ý thức làm mới cách diễn đạt, đẩy những từ ngữ quen thuộc vào những kết hợp mới, làm cho câu thơ có hồn hơn. Có thể gặp khá nhiều trong tập thơ lối diễn đạt tưởng như gây ra “nhảy cóc” trong tiếp nhận của người đọc nhưng lại kích thích sự liên tưởng. Từ đó, tạo ra cách cảm thụ thơ thật thú vị ở mỗi người: “Tháng Tư rụng trên tay/Một nụ cười đã cũ/Mùa đi bằng giấc ngủ/Ngắn như ngày hôm qua” (Tháng Tư).

Đọc tập thơ “Ngày không tên”, nhà văn Trung Trung Đỉnh nhận xét: “Sự kết hợp hài hòa khiến cho tập thơ thật hay, hay về câu từ, hay về vần điệu. Rất nhịp nhàng, bài bản. Từ đầu tập đến cuối tập bài nào cũng được nâng niu, gọt giũa chỉn chu, sáng láng, không vấp váp, không bị lỗi…”. Với “Ngày không tên” cây viết trẻ Huyền Nhung đã định hình một phong cách mới, một giọng thơ lạ đóng góp cho văn đàn xứ Tuyên.

Người cầm bút viết văn nói lòng bình yên thì có lẽ không ai tin nhưng sau những thăng trầm Vương Huyền Nhung đang có một cuộc sống bình yên, ít nhất là theo cách chị muốn tạo ra. Và chị chăm chút cho đời sống ấy, thậm chí bảo vệ nó để mỗi khi ngồi vào bàn viết trước trang giấy, chị không bị vướng bận. Và được “bay” hoàn toàn trong thế giới của riêng mình. Thế giới kỳ diệu của văn chương lúc dịu dàng, lúc lòng đầy bão tố trong nhiệt huyết, đắm say của cảm xúc.

Giang Lam

Lượt xem:254 Bản in









Các tin đã đăng:

Xem tin theo ngày:     Tháng:    Năm:     
HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT TỈNH TUYÊN QUANG
Giấy phép xuất bản số: 09/GPTTĐT-STTTT ngày 02/02/2021 của Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Tuyên Quang
Chịu trách nhiệm: Đinh Công Thủy - Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Tuyên Quang - Điện thoại: 02073 823 508
Trụ sở: Số 215, đường Tân Trào, phường Phan Thiết, thành phố Tuyên Quang. Điện thoại: 02073 822 392 - Email: baotantraotq@gmail.com
@ Bản quyền thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tuyên Quang

   Design by 

Online:
48

Lượt truy cập:
14.937