Nghệ thuật diễn xướng Soọng cô của người Sán Dìu
Thứ 6, 29/10/2021 - 16:4
Bài viết của Nguyễn Thị Thu Trang

 

 

Hát đối đáp giao duyên trên nương chè. Ảnh của Dương Ly

 

Dân tộc Sán Dìu ở Tuyên Quang có trên 12.500 người, cư trú chủ yếu ở ba xã Ninh Lai, Thiện Kế, Sơn Nam, huyện Sơn Dương; là tộc người có đời sống tín ngưỡng tâm linh và bản sắc văn hóa đậm nét. Trong các giá trị văn hóa phi vật thể, nổi bật lên làn điệu Soọng cô - một thể loại dân ca trữ tình, là lối diễn xướng đối đáp, nét sinh hoạt văn nghệ dân gian độc đáo, đặc sắc, phong phú, hấp dẫn của dân tộc Sán Dìu.

Soọng cô ra đời từ xa xưa, bắt nguồn trong lao động, đời sống hàng ngày, được lưu truyền qua bao thế hệ và tồn tại đến ngày nay. Soọng cô có hai dạng thức, một là hị sun Soọng cô (hát giao duyên trong sinh hoạt và lao động sản xuất), hai là shênh ca chíu Soọng cô (hát đối đáp trong lễ cưới). Ở phần hát giao duyên, nội dung hát là để tìm hiểu nhau giữa nam và nữ, ca ngợi lao động, quê hương tươi đẹp, cũng có khi đơn giản chỉ để hai bên nam nữ trổ tài hát với nhau. Nội dung diễn xướng ở hình thức thứ hai là hát đối đáp trong lễ cưới. Môi trường diễn xướng củaSoọng cô khá đa dạng và tự do cả về không gian và thời gian. Ở dạng thức hị sun Soọng cô, diễn xướng diễn ra trong 2 không gian: Không gian thứ nhất là hát trong nhà hay bên bếp lửa hồng, thời gian nhất thiết phải là buổi tối, có khi hát thâu đêm tới sáng. Không gian thứ hai, do gắn với đời sống sinh hoạt và lao động nên cuộc hát diễn ra giữa không gian rộng rãi, khoáng đạt, như ngoài ruộng lúa, trên nương chè, bên suối nước, giếng làng, hay trong hội xuân; thời gian diễn xướng là ban ngày. Ở dạng thức shênh ca chíu Soọng cô, không gian diễn xướng nhất thiết phải diễn ra trong các lễ vu quy, lễ xin dâu và đón dâu.

Đội hình diễn xướng Soọng cô được chia thành hai bên nam và nữ, mỗi bên khoảng trên dưới 10 người, trưởng nhóm là người thông thạo phong tục tập quán, thuộc nhiều bài hát để giao tiếp “đối ngoại” và dẫn dắt, phân vai người hát. Nếu nhóm khách hát là nam thì nhóm hát chủ nhà là nữ và ngược lại. Thường thì các cuộc diễn xướng buổi tối ở trong nhà, bên nữ chủ động mời và tổ chức cuộc hát, như lo chuẩn bị địa điểm, trà nước, trầu cau, trải chiếu ngồi,... và chủ động hát mời. Bên nam là khách hát, đến thăm làng, thăm nhà của bên bạn hát nữ. Nếu diễn xướng ban ngày ngoài trời thì hai bên hẹn nhau địa điểm và mỗi bên đều có thể là người hát mời.

Tương tự như hát Páo dung dân tộc Dao hay Sình ca dân tộc Sán Chay, Soọng cô được diễn xướng không có nhạc đệm. Ở dạng thức thứ nhất, tuy được ứng tác nhưng lề lối diễn xướng phải theo trình tự chặt chẽ, hát mở đầu, rồi đến hát mời, hát chúc người già, hát xin phép chủ nhà, sau mới đến phần hát tìm hiểu nhau của hai bên nam nữ. Ở dạng thức thứ hai, hai bên nhà trai và nhà gái phải diễn xướng theo các bài bản và giai điệu bắt buộc. Dù ở dạng thức nào cũng đòi hỏi hai bên diễn xướng phải hiểu biết phong tục tập quán, nghệ thuật dân gian, thuộc nhiều bài hát khuôn mẫu có sẵn, đồng thời phải nhanh trí, thông minh, tài ứng khẩu và giỏi đặt lời mới cho các bài ca.

Nội dung của soọng cô rất phong phú, đề cập nhiều lĩnh vực trong đời sống của người Sán Dìu, như ca ngợi tình yêu quê hương xứ sở, cảnh đẹp thiên nhiên, đề cao lao động, phê phán cái xấu, răn dạy con cháu,... nhưng nổi bật nhất và chiếm dung lượng lớn là nói về tình yêu đôi lứa. Chủ đề này phản ánh sâu sắc quan hệ giữa người với người, giàu ý nghĩa và chứa đựng nhiều tâm trạng, nỗi niềm. Từ diễn xướng trong hội xuân, trong lễ cưới, bên bếp lửa đêm đông hay hát trên đồi cây, bên dòng suối, trong lao động; cho dù hai nhóm nam nữ hát về nhiều nội dung khác nhau, thì ở đâu và nội dung nào cũng gắn với tình yêu. Dường như không gian, thời gian, cảnh vật thiên nhiên chỉ là cái cớ, chỉ là nền để làm nổi bật tình cảm gắn bó của những đôi bạn hát trong hai nhóm hát. Đây là tình yêu cháy bỏng của các chàng khách làng xa gửi tới các bạn hát gái chủ làng, có thể thấy trong câu hát:

Ọi hị lèn nhòng mạo phạ dọn         

Sham slíp sồng slan ngỏi ra chon   

Slan cao ben choắc lòng vi cộ        

Slúi slim ben choóc phù thoi slòn!  

Dịch nghĩa:    

Yêu nàng anh chẳng ngại đường xa

Ba mươi đèo núi không ngăn nổi

Núi cao anh hóa thành chim bay 

Sông sâu hóa thành thuyền bơi qua!

Các cô gái chủ làng đáp lại với tình yêu mãnh liệt không kém:  

Ngỏi lống shênh nhóng mạn vu si         

Mạn nị nhét thói mạn nị thi   

Nhóng hay nón suy sang cao soọng        

Lóng hay loi thánh méng sọng suy!

Dịch nghĩa:

Chàng và muội không bao giờ chết         

Chẳng sợ mặt trời không sợ đất

Chàng sẽ hóa cây tùng cây bách       

Muội thành dây leo quấn gốc cây!  

Thông qua những cuộc hát này, nhiều mối tình trong sáng đã nảy nở đơm hoa kết trái. Diễn xướng Soọng cô là dịp tốt để gái trai tìm hiểu nhau, là nhịp cầu dẫn dắt tình yêu. Tình yêu lứa đôi trong Soọng cô không chung chung, trừu tượng mà rất cụ thể, gần gũi, trong sáng, hồn nhiên, thủy chung.

Bên cạnh chủ đề về tình yêu lứa đôi thì tình yêu quê hương xứ sở, tình yêu thiên nhiên cũng chiếm phần không nhỏ trong Soọng cô. Đó là phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, khung cảnh đất trời rộng mở với núi sông, thôn làng, ruộng đồng trong bốn mùa xuân, hạ, thu, đông; là cỏ cây hoa lá, chim muông, là nếp nhà thân thuộc với khói lam chiều chấp chới cánh cò bay: “Hoa rừng tỏa sáng khắp cánh đồng”, “Rừng sâu cây lớn lá sum xuê”, “Nước chảy thác này sang thác khác”, “Cùng nàng vui chơi trên đỉnh mây”,... Ở hầu hết các bài ca, hai câu đầu người hát đều tả cảnh thiên nhiên, mượn cảnh thiên nhiên để ví von, sau đó diễn tả lòng mình ở hai câu sau. Tình yêu thiên nhiên, làng xóm cùng với các hoạt động sinh hoạt, lao động thường ngày đã tạo thành bức tranh quê rực rỡ, hiện lên sinh động trong mỗi khúc hát.

Chiếm một phần đáng kể là những bài hát về tình yêu lao động, đề cao lao động. Trải bao đời, người Sán Dìu đã vật lộn, chế ngự, chinh phục thiên nhiên khắc nghiệt, biến đồi đất khô cằn thành ruộng đồng, soi bãi màu mỡ. Từ trong mưu sinh vất vả, lam lũ, tiếng hát Soọng cô đã vang lên để xua tan nhọc nhằn, làm thi vị cuộc sống. Đó là những bài hát đối đáp trong phút giải lao khi gánh nước bên giếng làng, lúc đắp mương phai, khi tát nước đêm trăng hay thu hái chè trên nương:

Slam nhót chác shà, shà dẹp sheng          

Nhòng nhỏng coóng cú hênh thạy thẹng  

Loóng thòi chác shà tuế va hoi        

Tông slim chệnh hay chác shà nhìn.  

Dịch nghĩa:    

Tháng ba hái chè lá chè xanh

Chị em chuyện trò tiếng thanh thanh     

Hai đầu tỏa ra như hoa nở 

Ở giữa chụm vào rất hiền lành.

Qua Soọng cô có thể thấy đời sống của đồng bào Sán Dìu luôn gắn với lao động và chỉ bằng lao động, họ mới có cuộc sống ấm no hạnh phúc.

Truyền thống uống nước nhớ nguồn, tôn trọng đạo lý được thể hiện rất rõ qua cách ứng xử trong Soọng cô. Khi đi hát hội xuân, đi chơi làng bạn, nam nữ thanh niên - đạo làm con - phải xin phép bố mẹ; khi đến làng bạn, nhà bạn, phải hát chào và hát xin phép gia chủ. Vào cuộc hát, bên khách hát kính chúc người già, gia chủ, làng xóm, họ hàng, bạn bè của bạn hát; bên chủ làng hát mời khách ngồi, uống nước ăn trầu, mời khách hát; về phần mình thì khiêm tốn, luôn sợ mình hát không hay. Trong lễ cưới, cô gái sắp đi làm dâu có các bài vái lạy tổ tiên, mẹ cha, anh chị em, họ hàng; quan lang nhà trai hát chúc các bô lão, chúc nhà gái, cô dâu, xóm làng của cô dâu, chúc những người phục vụ đám cưới. Phép ứng xử của hai họ mộc mạc mà sâu sắc, thể hiện giá trị đạo đức, lối sống, thuần phong mỹ tục của người Sán Dìu. Soọng cô còn có các bài hát răn dạy con cháu về đạo lý uống nước nhớ nguồn, kính trọng, biết ơn tổ tiên, về đức tính khiêm tốn, cách đối nhân xử thế, yêu thương và sẵn sàng giúp đỡ người nghèo khổ. Ở chừng mực nhất định Soọng cô có một số bài phê phán thói hư tật xấu, lười biếng lao động, tệ nạn cờ bạc, đồng thời lên án bọn quan tham hống hách.

Về nghệ thuật, mỗi bài Soọng cô được kết cấu theo thể thất ngôn tứ tuyệt (hoặc biến thể, câu đầu 3 chữ, 3 câu sau mỗi câu 7 chữ), âm tiết cuối của câu đầu vần với âm tiết cuối câu thứ hai và âm tiết cuối câu bốn, tạo sự móc xích giữa các câu trong một bài ca. Ca từ trong Soọng cô mộc mạc, giản dị, gần gũi đời thường nhưng giàu hình ảnh, chứa đựng bên trong khát vọng cuộc sống ấm no hạnh phúc. Một số ca từ mang tính ước lệ, lối so sánh ví von, sử dụng từ tượng hình, tượng thanh khá phổ biến. Có nhiều điệp từ được sử dụng nhằm nhấn mạnh và tạo nhịp cho lời ca. Âm nhạc trong Soọng cô, các bài đều sử dụng giai điệu giống nhau, thanh và âm điệu đơn giản không gãy khúc, âm vực không quá lớn, quãng âm ít lên bổng xuống trầm đột ngột, ít đột biến luyến láy nên không dẫn tới cao trào. Nếu cùng chủ đề thì lời ca của bài sau lặp lại gần như nguyên văn lời ca bài trước, thể hiện bản chất, tâm tư, tình cảm, phong cách sinh hoạt của con người trong một môi trường, điều kiện ít biến đổi. Cách cấu tạo giai điệu này như để phù hợp với bài hát sáng tác theo thể thơ có niêm luật chặt chẽ và để chuyển tải nét văn hóa của miền quê Trung du, nơi đồng bào Sán Dìu cư trú.

Trong kho tàng di sản văn nghệ dân gian dân tộc Sán Dìu, Soọng cô là những làn điệu dân ca trữ tình và nghệ thuật diễn xướng Soọng cô là một nét sinh hoạt văn nghệ dân gian độc đáo. Soọng cô chứa đựng nội dung phong phú, mang tính nhân văn sâu sắc, như một bông hoa rực rỡ trong vườn hoa ngát hương của các dân tộc anh em trên quê hương Cách mạng Tân Trào.

N.T.T.T

 

Lượt xem:1326 Bản in









Các tin đã đăng:
   Nông thôn trong Tiểu Thuyết Trịnh Thanh Phong - Đăng ngày:  22/07/2022
   Đỗ Anh Mỹ và tiểu thuyết Rễ Rừng - Đăng ngày:  19/07/2022
   Tạ Bá Hương - Đau đáu từ Đôi mắt đợi - Đăng ngày:  10/02/2022
   Cuộc thi thơ Tuyên Quang năm 2021- nơi hội tụ của sự sáng tạo nghệ thuật - Đăng ngày:  04/01/2022
   Đọc “Rừng có tiếng người” nhớ cố nhà văn Đinh Công Diệp - Đăng ngày:  25/11/2021
   Cuốn sách đồ sộ về triều đại nhà Đinh - Đăng ngày:  11/10/2021
   Nghệ sỹ sáng tạo nghệ thuật - Đăng ngày:  30/07/2021
   PHỎNG VẤN ĐẦU NĂM. THỰC HIỆN: VĂN TÂN - Đăng ngày:  05/02/2018
   ĐINH HUYỀN TRANG - Đăng ngày:  21/12/2017
   TRẦN LỆ THANH - Đăng ngày:  21/12/2017

Tổng số: 14 | Trang: 1 trên tổng số 2 trang  


Xem tin theo ngày:     Tháng:    Năm:     
HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT TỈNH TUYÊN QUANG
Giấy phép xuất bản số: 09/GPTTĐT-STTTT ngày 02/02/2021 của Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Tuyên Quang
Chịu trách nhiệm: Đinh Công Thủy - Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Tuyên Quang - Điện thoại: 02073 823 508
Trụ sở: Số 215, đường Tân Trào, phường Phan Thiết, thành phố Tuyên Quang. Điện thoại: 02073 822 392 - Email: baotantraotq@gmail.com
@ Bản quyền thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tuyên Quang

   Design by 

Online:
49

Lượt truy cập:
14.937