Nhà thơ Nông Quốc Chấn với văn nghệ sỹ Tuyên Quang
Thứ 3, 12/10/2021 - 11:12
. TRỊNH THANH PHONG

 

Nông Quốc Chấn (ngoài cùng bên trái) cùng các bạn thơ Chế Lan Viên, Tế Hanh, Hoàng Trung Thông. Ảnh: TL

 

Nhắc đến cố nhà thơ Nông Quốc Chấn thế hệ chúng tôi ai ai cũng nhớ ngay đến những áng thơ tuyệt tác ấy là: Tiếng ca người Việt Bắc, Bộ đội ông cụ, Việt Bắc Tây Nguyên, Đèo Gió, Dọn về làng, Dòng thác, Đến Sơn Dương... Những bài thơ ấy chúng tôi từng học thuộc lòng ở cấp một, cấp hai. Riêng tôi, có cái duyên may được gặp và tiếp xúc với ông rất sớm. Ấy là những ngày tôi đang theo học lớp giữ sách của trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc.

Hồi ấy tôi hay qua lại chỗ nhà văn Nông Viết Toại (Em trai của nhà thơ Nông Quốc Chấn). Lúc ấy ông Toại là Trưởng phòng Tổ chức Giáo vụ của nhà trường. Nhân buổi lên làm việc với trường, nhà thơ Nông Quốc Chấn có ghé qua chỗ ông Toại, hôm đó tôi đang ở đấy và cũng là sự may mắn được thấy nhà thơ mà bấy nay tôi chỉ nghe “văn kỳ thanh...” Cứ ngỡ ông là nhà thơ lại đương kim Thứ trưởng Bộ Văn hóa thì phải oai phong... Tôi rón rén đứng nép vào cái ghế mãi cuối bàn. Thấy tôi khép nép, nhà thơ cười hiền: “Cháu cứ ngồi ra đây, ta cùng uống nước”. Nói rồi, ông ngồi xuống cái ghế chỗ bàn, tôi cũng lễ phép ngồi xuống cạnh. Ông hỏi quê quán, tôi bảo: Cháu ở Tuyên Quang. Ông cười phấn khởi rồi hỏi thăm bác Hà Phan, Hoàng Quang Trọng, Phạm Văn Luyến... và ông kể những kỷ niệm với đất Tuyên rất sâu sắc. Sự chan hòa, giản dị của ông tự nhiên thành kỷ niệm gắn vào ký ức tôi suốt cùng năm tháng. Mãi đến tháng 7 năm 1999, Đại hội Hội VHNT tỉnh Tuyên Quang được tổ chức, ông lên dự với tư cách là Phó Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam. Đại hội ấy tôi được bầu làm Phó Chủ tịch Thường trực Hội VHNT Tuyên Quang. Buổi bế mạc tổng kết tôi được ngồi tiếp ông, hôm ấy trời nắng nóng, nhà ăn thời ấy không có điều hòa, lại thưa quạt, tôi ái ngại, ông cười hiền: “Có sao, nắng nôi là việc của trời, đại hội thành công thế này là mát mẻ rồi...” Câu động viên của ông làm dịu cả mâm cơm. Có người bạo mồm hỏi:

- Thưa bác, các Hội Văn nghệ của mình từ Trung ương đến địa phương người thì nói là Hội Nghề nghiệp, người lại bảo là Hội Chính trị, xã hội, nghề nghiệp... chả biết đâu đúng, đâu sai? Không khí lặng xuống một lúc, nhà thơ Nông Quốc Chấn lại nhìn mọi người cười hiền và nói rành rõ: “Là Hội Chính trị - xã hội, nghề nghiệp chứ”. Rồi ông phân tích: Chính trị là toàn thể anh chị em văn nghệ sỹ chúng ta dù ở Trung ương hay ở địa phương, tất cả đều sáng tạo nghệ thuật theo đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng. Nhiệm vụ này không ai bảo ai nhưng đều được đặt lên hàng đầu của mỗi người cầm bút, cả tôi cũng vậy. Còn xã hội là tổ chức của Hội dù ở địa phương, Trung ương đều tập hợp đoàn kết tất cả những người sáng tác văn học, nghệ thuật trên địa bàn về một mối, đoàn kết, hỗ trợ, động viên nhau cùng sáng tạo nghệ thuật. Còn nghề nghiệp thì anh em mình làm công việc sáng tạo, sáng tạo chuyên nghiệp trên các lĩnh vực

nghệ thuật mà mỗi cá nhân nghệ sỹ đam mê... Ba yếu tố này tạo thành đặc thù của Hội. Làm tốt cả ba nhiệm vụ này thì rõ ràng tổ chức của ta là một tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp chứ không thể nói khác...

Nhà thơ lại cười hiền lành, anh em chúng tôi cũng cười theo và như cùng vỡ lẽ rõ hơn về cái tên gọi của tổ chức Hội mà bấy nay nhiều người vẫn còn lơ mơ. Chuyện cứ thế dài dài. Tôi nâng chén rượu mời ông như là để cảm ơn. Ông cạch chén, trầm tư một lát ông lại nhìn tôi cười hiền lành: “Tôi nghe báo cáo Đại hội, biết Hội Tuyên Quang giờ đã có tới hơn một trăm hội viên, sinh hoạt trên 6 chi hội nhưng Chi hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam tại Tuyên Quang còn ít quá, chưa được chục người mà số người chủ yếu lại ở khu vực thị xã và Văn phòng Hội, quân số thưa, lại không có người bám cơ sở thôn bản, nhất là thôn bản vùng sâu, vùng xa, vấn đề này thật khó khăn cho sáng tác về miền núi đó...

- Dạ, ngày thành lập chi hội, anh em cũng tính đến điều này nhưng chưa tìm được cách nào để phát triển ạ - Tôi thật thà. Ông lại cười hiền lành rồi nói:

- Cách là do mình, mình phải nghĩ ra. Bây giờ cậu là Phó Chủ tịch Thường trực rồi, Chủ tịch Hội thì kiêm nhiệm lại giữ chức Chánh văn phòng Tỉnh ủy, rất thuận lợi, cậu phải chủ động đề xuất. Cố gắng tổ chức ngay một lớp bồi dưỡng sáng tác về miền núi, dân tộc tại Tuyên Quang, tôi sẽ trực tiếp giúp đỡ. 

Chia tay ông, mọi công việc của Hội sau Đại hội dần được ổn định. Tôi nghĩ ngay đến việc tổ chức lớp bồi dưỡng sáng tác về miền núi dân tộc tại Tuyên Quang theo tâm nguyện của nhà thơ Nông Quốc Chấn. Tôi nhớ lại lời ông dặn: Cách là do mình nghĩ ra, sáng tạo ra... Từ cái chìa khóa này tôi tự nảy ra ý. Muốn có lớp học điều đầu tiên là phải có người học. Đi tìm người học, mà những người ấy lại phải biết sáng tác, có năng khiếu sáng tác lại là người dân tộc, người sống ở vùng núi dân tộc. Tôi mạnh dạn tổ chức một đợt đi thị sát, mục đích chủ yếu đến gặp các bác hội viên già như nghệ nhân Hà Phan, anh em, bạn bè của bác Hoàng Quang Trọng... một phần thăm hỏi sức khỏe, gia quyến của các bác, từ đó lân la tìm hiểu những người có đam mê sáng tác văn học nghệ thuật. Được mọi người tận tình giúp đỡ, sau đợt đi thị sát đó tôi đã có thêm trong tay gần hai chục người, già có, trẻ có, người dân tộc có, người Kinh có. Có được danh sách, về sàng lọc thêm những tác giả trong đội ngũ hội viên, tôi cùng Thường trực Hội lập kế hoạch chi tiết mở lớp học và trình tỉnh cấp kinh phí. Mọi việc được tỉnh chấp thuận rất thuận lợi.

Việc đâu vào đó tôi bắt xe về Hà Nội tìm gặp nhà thơ Nông Quốc Chấn, khổ hôm ấy lại vào ngày nghỉ ông không đến cơ quan. Đận ấy điện thoại di động lại chưa có, đang lơ ngơ ở Bắc Linh Đàm thì gặp ông bảo vệ, ông ấy bảo: “Nhà bác Chấn ở phố Yên Bái, chú lên đấy hỏi, tôi cũng không nhớ số nhà”. Tôi lần đến phố Yên Bái, cứ thấy ngôi nhà to, cao tầng là dừng lại hỏi vì tôi nghĩ ông là Thứ trưởng chắc nhà cửa phải sang. Nhưng chủ những ngôi nhà ấy đều không phải và họ cũng không rõ nhà ông. Tôi lại lầm lũi đi, đến khu nhà gần ngã ba, hàng quán lúp xúp, tôi hỏi bà chủ quán, bà chưa kịp trả lời thì trên gác hai, nhà thơ Nông Quốc Chấn đang đứng ở lan can, ông vừa giơ tay vẫy vừa kêu:

“Phong à, ở đây, ở đây...”. Ngôi nhà hai tầng nhưng quá đơn sơ, trong nhà mọi thứ đều giản dị ngăn nắp, phòng khách chỉ có bộ sa-lông bện bằng dây mây rất đẹp, rất núi rừng. Tôi tần ngần nhìn khắp gian nhà, lại gặp ý nghĩ. Ông làm đến Thứ trưởng mà cuộc sống bình dân quá. Trà cũng được ông rót ra. Tôi vào ngay việc: Thưa bác, cháu về gặp bác cũng xin tâu nội tình cái lớp bồi dưỡng sáng tác về miền núi dân tộc mà bác gợi ý ngày Đại hội Hội Văn nghệ Tuyên Quang đây.

- Vậy là cậu đã giữ được lời hứa, chuẩn bị đến đâu rồi? có bao nhiêu người tham gia?...

- Dạ, bọn cháu đi khảo sát các huyện, thu thập được 36 người, có đủ thành phần các dân tộc, trẻ có, già có ạ.

- Thế là tốt, một lớp bồi dưỡng số lượng vậy là vừa. Ta triển khai ngay chứ.

- Dạ, Hội đã thống nhất làm ngay thứ hai tuần tới, thời gian lớp học là 15 ngày. Bác bố trí thời gian giúp ạ. Cháu sẽ cho xe đón.

- Khỏi lo, tôi tự đi được.

Ông nắm tay tôi rất phấn khởi, rất nhanh ông phác thảo nội dung, chương trình lớp học để tôi nắm được lịch. Theo kế hoạch ông lên Tuyên Quang rất đúng hẹn. Đến hội trường thấy anh chị em đã có mặt đông đủ, ông vui vẻ bắt tay thăm hỏi từng người. Ông cười hiền lành: Về thủ tục khai mạc lớp học vậy là đủ rồi, bây giờ tôi cùng anh chị em vào nội dung công việc ngay nhé. Ông bước lên bục với quyển sổ tay nho nhỏ, giọng ông nhỏ nhẹ, ấm áp. Ông nói về thiên nhiên, rừng núi, con người, sự gắn kết giữa thiên nhiên, núi rừng, sông suối đã tạo dựng sự gắn kết bền chặt giữa con người miền núi với thiên nhiên, nét đẹp từ thiên nhiên rừng núi đã tạo ra đời sống tâm hồn và những giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc muôn đời. Ngày nay, dưới tác động của cơ chế thị trường đang làm xê dịch những giá trị ấy, nếu không biết giữ gìn tự nó sẽ biến mất. Vấn đề này là trách nhiệm chung của mỗi người nhưng lại là nhiệm vụ nặng nề đối với những người cầm bút, nhất là những người cầm bút viết về miền núi dân tộc. Muốn có tác phẩm xứng đáng với đời sống của đồng bào các dân tộc không có cách nào khác là chúng ta phải gắn bó, phải sống với đời sống thực của đồng bào các dân tộc thật chung thực và máu thịt. Những điều ông nói luôn liền mạch, không đao to búa lớn, ấy thế mà anh chị em trong lớp học cứ ngồi im phắc suốt 5 ngày liền.

Kết thúc thời gian trên lớp, theo kế hoạch, anh chị em sẽ trao đổi, thảo luận rồi viết bài thu hoạch, nhưng đột xuất ông bảo tôi: “Có lẽ thay việc thảo luận bằng cách đưa anh chị em đi cơ sở, đi cơ sở để anh chị em tiếp cận hiện thực, rồi tùy mỗi người từ nhận thức bài giảng, họ sáng tác, lấy những sáng tác của anh chị em để đánh giá kết quả học tập, như vậy hiệu quả hơn...”. Theo gợi ý của ông, Thường trực Hội chia lớp học làm hai tổ, một tổ đi Hàm Yên, Yên Sơn, khu di tích Tân Trào, một tổ đi Chiêm Hóa, Na Hang, thời gian chỉ có tám ngày. Nội dung được quán triệt là anh chị em vừa đi, vừa viết. Kết thúc chuyến đi anh em về, ai cũng có bài nộp. Ông lại từ Hà Nội lên, lại cặm cụi đọc các sáng tác của anh chị em. Hôm tổng kết, ông ân cần với từng sáng tác của mỗi tác giả, cái gì được ông bảo được, cái gì còn chưa được ông cũng ân cần chỉ bảo. Ông khen Tiếng đàn Then của Tăng Thình; thơ của Lê Na, Tạ Bá Hương; ký, ghi chép của Trần Ngọc, truyện của Vũ Xuân Tửu, Quang Khánh, Ma Thị Hồng Tươi, Hồng Giang... Sự tận tâm của ông tạo ra không khí sôi nổi, ấm áp và đầy hứng khởi trong mỗi tác giả được tham dự lớp học này.

Sau lớp học ấy, đội ngũ anh em văn nghệ sĩ Tuyên Quang bám bản, bám làng sâu hơn, gắn bó hơn, có nhiều tác phẩm ra đời mang đậm bản sắc của quê hương Tuyên Quang trong thời kỳ đổi mới. Đội ngũ hội viên của Chi hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam tại Tuyên Quang dần lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Thành quả này phần lớn đều được thắp sáng từ nguồn truyền thống và ngọn lửa ấm do nhà thơ Nông Quốc Chấn thắp lại từ lớp bồi dưỡng sáng tác về miền núi dân tộc năm ấy. Cứ ngỡ ông mãi bình khỏe để gắn bó hơn với Tuyên Quang, nhưng tuổi tác, quy luật đời người ai tránh được. Năm 2002 ông đã xa anh chị em về chỗ vĩnh hằng. Ông đi, việc ấy chỉ là “Thác là thể phách...” hình ảnh ông, tấm lòng ông vẫn hiện hữu trong lòng người Tuyên Quang nói chung và anh em văn nghệ sĩ Tuyên Quang nói riêng. Ông không những chỉ là cánh chim đầu đàn của nền văn học miền núi mà còn là người tận tâm lo toan cho sự sinh thành của đội ngũ anh chị em văn nghệ sĩ miền núi.

Tuyên Quang 27/8/2021

T.T.P

Lượt xem:1799 Bản in









Các tin đã đăng:
   Họa sĩ Công Mỹ - Đăng ngày:  28/10/2022
   Phù Ninh - đôi vai kẽo kẹt nợ đời - Đăng ngày:  15/09/2022
   Cao Xuân Thái nỗi đau trên hành trình chữ - Đăng ngày:  23/08/2022
   Nghệ sĩ Ưu tú Lâm Nho Hát bằng trái tim người lính - Đăng ngày:  20/07/2022
   Người khơi lại những giá trị nguồn cội - Đăng ngày:  25/11/2021
   NGUYỄN ĐÌNH LÃM - Đăng ngày:  09/08/2021
   NGUYỄN VIỆT YẾN - Đăng ngày:  15/10/2020
   VĂN LÀN TRẺ THƠ VÀ MƠ MỘNG. MAI HÙNG - Đăng ngày:  05/06/2017
   Một số tác phẩm của nghệ sỹ Hải Hà - Đăng ngày:  02/06/2015
   NGUYỄN CÔNG MỸ - Đăng ngày:  19/12/2016

Tổng số: 13 | Trang: 1 trên tổng số 2 trang  


Xem tin theo ngày:     Tháng:    Năm:     
HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT TỈNH TUYÊN QUANG
Giấy phép xuất bản số: 09/GPTTĐT-STTTT ngày 02/02/2021 của Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Tuyên Quang
Chịu trách nhiệm: Đinh Công Thủy - Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Tuyên Quang - Điện thoại: 02073 823 508
Trụ sở: Số 215, đường Tân Trào, phường Phan Thiết, thành phố Tuyên Quang. Điện thoại: 02073 822 392 - Email: baotantraotq@gmail.com
@ Bản quyền thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tuyên Quang

   Design by 

Online:
46

Lượt truy cập:
14.936