Nghệ sỹ sáng tạo nghệ thuật
Thứ 6, 30/7/2021 - 10:48
LÊ CƯỜNG

 

Trong vườn. Ảnh của Đinh Công Thủy

Người nghệ sỹ muốn sáng tạo được nhân vật của mình phải nhìn vào sự phát triển của nền nghệ thuật nói chung, lĩnh vực nghệ thuật múa nói riêng. Nhân loại đã trải qua nhiều thế kỷ, và nhận thấy rằng nghệ thuật không tồn tại bằng những công thức trừu tượng, những triết lý khô khan, những con số thống kê cứng nhắc mà bằng những hình tượng, tư duy cụ thể, sinh động và hấp dẫn. Thế giới nghệ thuật là thế giới của những hình tượng muôn màu muôn vẻ. Phlê-Kha-Nốp có nhận định rất đúng đắn rằng, nghệ thuật bắt đầu khi con người ta gợi lại trong bản thân mình những tư tưởng và tình cảm mà mình đã từng kinh qua trong cuộc sống hiện thực và tạo nên một sự biểu hiện có hình tượng nhất định, phản ánh hiện thực  bằng hình tượng là đặc trưng nổi bật. Hình tượng nghệ thuật còn là nơi hội tụ sự đa dạng phong phú của việc nhận thức và cải tạo thế giới bằng nghệ thuật. Không chỉ nổi lên đặc trưng phản ánh của nghệ thuật, tính cách nhân vật mà còn là tế bào cơ bản để nghệ sỹ xây dựng lên tác phẩm nghệ thuật, một giá trị thẩm mỹ mới cho cuộc sống. Việc nghệ sỹ xây dựng lên một nhân vật điển hình trong hình tượng nghệ thuật, sẽ giúp cho chúng ta có điều kiện hiểu biết thấu đáo bản chất đặc trưng của nghệ thuật cũng như thấy được đặc trưng trong sự tác động của nghệ thuật đối với đời sống xã hội của loài người. Người nghệ sỹ muốn sáng tạo ra nhân vật hay trong tác phẩm của mình cần nắm được mục đích cơ bản của sáng tạo nghệ thuật, là thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ, tâm lý của con người thông qua các nhân vật là diễn viên và công chúng cảm thụ. Là địa chỉ muôn thủa của nghệ sỹ, nghệ sỹ mang tâm trạng trăn trở, suy nghĩ, tưởng tượng hình dung trong đầu trước những khám phá phát hiện của mình về điều có ý nghĩa nhân văn và họ khát khao được chia sẻ, giãi bầy. Nhu cầu "giải thoát nội tâm" này của nghệ sỹ được thỏa mãn phần nào bằng cách gửi thông điệp tác phẩm tới công chúng thông qua các đợt hội diễn, phục vụ đồng bào các địa phương. Sáng tạo nghệ thuật nói chung, nhân vật nói riêng cũng là một cách giao tiếp tinh thần giữa người và người.

Chúng ta đã từng biết đến các cuộc gặp gỡ "xướng họa trong lễ hội dân gian". Ở đó sự giao lưu giữa sáng tạo và người thưởng thức được biểu lộ khá trực tiếp, trong khi mang lại khoái cảm cho người xem, người nghe tác phẩm, đồng thời cũng truyền đạt tới họ những gì nghệ sỹ muốn nói và trông chờ từ họ một thái độ đồng tình, đồng cảm. Sáng tạo của nghệ sỹ là một loại hình hoạt động có sự kết hợp hữu cơ cả hai hình thức sáng tạo tinh thần và vật chất của con người. Do đó tác phẩm vừa là kết quả của việc nghệ sỹ nhận thức và cải biên các chất liệu của hiện thực thành hình tượng tinh thần lại vừa là kết quả của việc chiếm hữu và sử dụng chất liệu tự nhiên để thể hiện thành quả của sáng tạo tinh thần. Như vậy hoạt động của nghệ sỹ được thể hiện tích cực ở nhận thức và đánh giá thẩm mỹ về hiện thực, cải biên chất liệu hiện thực thành hình tượng tinh thần và nhào nặn vật liệu tự nhiên để thể hiện ý đồ trong sáng tạo nhân vật của mình trong tác phẩm. Nhân tố đóng vai trò chủ đạo định hướng và gắn với công việc sáng tạo là lý tưởng thẩm mỹ, tâm lý của nghệ sỹ, những hình mẫu cụ thể toàn vẹn sẽ chi phối công việc của người làm nghệ thuật từ khâu lựa chọn chủ đề, đề tài tác phẩm, đánh giá tài liệu cho đến việc tìm kiếm hình thức và chất liệu biểu hiện. Mặt khác, tuy hai hình thức sáng tạo này gắn bó khăng khít nhưng người ta vẫn xếp nghệ thuật vào lĩnh vực sản xuất tinh thần theo cách của Mác. Sự phân loại này cũng có lý do xác đáng về công việc sáng tạo vật chất luôn luôn phải phục tùng những đặc điểm của nội dung tinh thần đã được xây dựng trong ý thức của người nghệ sỹ.

Việc lựa chọn xây dựng hình thức không có mục đích, tự thân và chỉ có giới hạn trong mong muốn truyền đạt đúng, đầy đủ và sâu sắc nội dung. Hơn nữa bản thân hoạt động "vật chất hóa" cũng phải được tiến hành theo quy luật của cái đẹp để đáp ứng trước hết nhu cầu của con người. Sáng tạo nghệ thuật là một loại nghệ thuật hoạt động có tính cá nhân độc đáo, tất nhiên phía sau cá nhân là những nhóm người, những lực lượng xã hội và xét trên tổng thể thì xã hội vẫn là nhân tố quyết định mọi vấn đề. Chừng  nào tác phẩm được sáng tạo bởi một nghệ sỹ cụ thể nhất định thì vai trò của cá nhân tác giả vẫn trực tiếp quyết định. Chúng ta đánh giá vai trò tích cực và sáng tạo của con người, cụ thể xã hội trong mọi lĩnh vực hoạt động nhưng không ở đâu chủ thể bộc lộ mình. Có thể nói những phẩm chất về tài năng, kỹ xảo nghề nghiệp có ý nghĩa to lớn đến kết quả của hoạt động. Cá tính nghệ sỹ chính là một thứ vật liệu quan trọng không thể kiếm được để xây dựng hình tượng. Trong những thành tựu của cách mạng khoa học kỹ thuật, người ta cũng đã bàn đến khả năng máy móc thay thế con người sáng tạo nghệ thuật, nhưng không hấp dẫn vì thiếu cá tính.

Tuy nhiên, cái chủ quan trong nghệ thuật không thể là sự bịa đặt tùy tiện, đây là vấn đề trách nhiệm xã hội của nghệ sỹ, tuy là một cá nhân cụ thể nhưng với tư cách là một chủ thể xã hội, người nghệ sỹ vẫn bị hạn chế trong những điều kiện xã hội nhất định. Sáng tạo nghệ thuật không phải một hoạt động thần bí diễn ra theo sự ban tặng (của thần linh) và nghệ sỹ sáng tạo nhân vật cũng không phải là con người siêu phàm, nhưng đúng là không phải ai cũng trở thành nghệ sỹ và sáng tạo được nghệ thuật. Tài năng người nghệ sỹ làm nghệ thuật gồm có năng lực sáng tạo tinh thần và năng lực sáng tạo thực tiễn, vật chất. Không có vốn liếng đa dạng, cuộc sống không ngừng tích lũy thêm, không có tài năng và không thường xuyên trau dồi, rèn luyện thì không thể hoạt động, sáng tạo ra nhân vật của mình. Trong lĩnh vực nghệ thuật thì vốn sống, vốn chính trị và vốn văn hóa nghệ thuật là 3 loại vốn cơ bản, là nguồn cảm hứng của nghệ sỹ. Để sáng tạo nên tác phẩm nghệ thuật, người nghệ sỹ cần phải bồi dưỡng thường xuyên những hiểu biết mọi mặt của cuộc sống, coi nguồn nuôi dưỡng cảm xúc, khát vọng sáng tạo của bản thân. Tách rời cuộc sống của nhân dân, nghệ sỹ sẽ mất điểm tựa vững chắc và nghệ sỹ không xác định được mục tiêu tiến hành của mình. Nếu không có một thế giới quan khoa học, một cách nhìn đúng đắn và sâu sắc thì dù có đi nhiều, nghệ sỹ cũng không nhận ra những hiện tượng, bản chất của cuộc sống để xây dựng nhân vật mà dễ bị ngập tràn những dòng chảy  tản mạn. Hệ thống các quan điểm về thế giới quan, luôn chỉ đạo cách nhìn, cách cảm đánh giá cũng như cách giải quyết các mâu thuẫn tồn tại. Nắm vững các quy luật tự nhiên, xã hội và tư duy để có khả năng khám phá chân lý một cách đúng đắn. Nắm vững đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước cũng là một việc cần thiết đối với nghệ sỹ sáng tạo nghệ thuật. Bởi vì nếu không có những hiểu biết này nghệ sỹ không thể hiểu được hiện thực của cuộc sống đang biến chuyển theo chính sự chỉ đạo dẫn dắt của đường lối, chính sách ấy. Vốn chính trị là tri thức cơ bản của mọi công dân nói chung và đối với những nghệ sỹ sáng tạo nghệ thuật nói riêng. Nghệ sỹ sáng tạo cũng cần có vốn hiểu biết về văn hóa, khoa học xã hội và kho tàng nghệ thuật dân tộc. Nền tảng học thức là nhân tố có ảnh hưởng to lớn tới trình độ tư duy, cũng như chiều sâu cảm xúc của con người khi ta sáng tạo nhân vật, sáng tạo tác phẩm, nhất là trong điều kiện của cuộc cách mạng xã hội và cách mạng khoa học kỹ thuật, hội nhập phát triển mạnh mẽ như ngày nay. Đối tượng phản ánh cũng như đối tượng phục vụ của nghệ thuật được nâng cao không ngừng về học vấn. Nhu cầu tinh thần nhiều mặt của con người ngày nay càng đa dạng và tinh tế hơn, buộc nghệ sỹ phải sử dụng phương pháp tư duy nghệ thuật khoa học theo xu hướng thời đại vào quá trình sáng tạo nghệ thuật. Mặt khác, quy luật kế thừa của nghệ thuật đòi hỏi người nghệ sỹ phải học tập nghiêm túc di sản nghệ thuật của nhân loại. Vốn nghệ thuật là vốn nghề nghiệp của nghệ sỹ, đó là những bậc thang đầu tiên và cũng là những bậc thang cuối cùng trong quá trình sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sỹ hiện nay.

L.C

Lượt xem:2245 Bản in









Các tin đã đăng:
   Nông thôn trong Tiểu Thuyết Trịnh Thanh Phong - Đăng ngày:  22/07/2022
   Đỗ Anh Mỹ và tiểu thuyết Rễ Rừng - Đăng ngày:  19/07/2022
   Tạ Bá Hương - Đau đáu từ Đôi mắt đợi - Đăng ngày:  10/02/2022
   Cuộc thi thơ Tuyên Quang năm 2021- nơi hội tụ của sự sáng tạo nghệ thuật - Đăng ngày:  04/01/2022
   Đọc “Rừng có tiếng người” nhớ cố nhà văn Đinh Công Diệp - Đăng ngày:  25/11/2021
   Nghệ thuật diễn xướng Soọng cô của người Sán Dìu - Đăng ngày:  29/10/2021
   Cuốn sách đồ sộ về triều đại nhà Đinh - Đăng ngày:  11/10/2021
   PHỎNG VẤN ĐẦU NĂM. THỰC HIỆN: VĂN TÂN - Đăng ngày:  05/02/2018
   ĐINH HUYỀN TRANG - Đăng ngày:  21/12/2017
   TRẦN LỆ THANH - Đăng ngày:  21/12/2017

Tổng số: 14 | Trang: 1 trên tổng số 2 trang  


Xem tin theo ngày:     Tháng:    Năm:     
HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT TỈNH TUYÊN QUANG
Giấy phép xuất bản số: 09/GPTTĐT-STTTT ngày 02/02/2021 của Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Tuyên Quang
Chịu trách nhiệm: Đinh Công Thủy - Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Tuyên Quang - Điện thoại: 02073 823 508
Trụ sở: Số 215, đường Tân Trào, phường Phan Thiết, thành phố Tuyên Quang. Điện thoại: 02073 822 392 - Email: baotantraotq@gmail.com
@ Bản quyền thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tuyên Quang

   Design by 

Online:
42

Lượt truy cập:
14.943